Vừa qua, tại Khu di tích Căn cứ Vườn Mận, Ban liên lạc Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ đã tổ chức ngày giỗ tập thể và lễ đưa danh sách 203 cán bộ, chiến sĩ biệt động hy sinh vào nhà trưng bày. Tại buổi lễ, chúng tôi được Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ cho biết, tiền thân của lực lượng biệt động Cần Thơ là các đơn vị vũ trang, được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: “Thanh niên tiền phong”, “Sát gian Đảng”, “Vệ thám phòng”, “Đội tự vệ thành”…
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng biệt động được phát triển lên từ những tổ “Tự vệ bắt cướp”, “Nhóm vũ trang bảo vệ Đảng”… hoạt động trong lòng địch. Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 22-2-2010, lực lượng biệt động Cần Thơ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 8 cá nhân được trao tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này.
Khu di tích Căn cứ Vườn Mận, rộng gần 7.000m2. Theo các cựu chiến binh biệt động Cần Thơ, cái tên Vườn Mận được biết đến bởi khu vực này trước kia trồng rất nhiều mận (miền Bắc gọi là quả roi). Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khu vườn của gia đình má Hai Tiểu (Anh hùng Tạ Thị Phi) được chọn để xây dựng Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 9.
“Đây là một trong những căn cứ “lõm” của lực lượng cách mạng, do vậy địch bố trí rất nhiều đồn bót với nhiều lực lượng tinh nhuệ tuần tra, canh gác ngày đêm để chia cắt.
Trận đánh giữ căn cứ “lõm” Vườn Mận năm 1970, là một trong những trận đánh tiêu biểu của lực lượng biệt động. Với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, tắt lửa nấu cơm trước trời sáng”, chỉ với 45 cán bộ, chiến sĩ nhưng qua 6 ngày đêm, chúng tôi đã bẻ gãy được 13 đợt tấn công, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 74 tên địch”, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ cho biết.
Căn cứ Vườn Mận là một điểm son trong tuyến lộ Vòng Cung của thành phố Cần Thơ-một chiến trường ác liệt nhất ở khu Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 15-11-2004, Căn cứ Vườn Mận được UBND thành phố Cần Thơ xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố. Năm 2011, khu di tích được quận Bình Thủy khởi công phục dựng lại và đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, học tập với nhiều hạng mục.
Khu di tích ngày nay còn lưu giữ những hình ảnh sống động của nhiều trận đánh lớn trên địa bàn… Thời gian qua, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ, tại Khu di tích, Ban liên lạc Cựu chiến binh biệt động Cần Thơ còn tổ chức các hoạt động giao lưu, nói chuyện truyền thống với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Để trực quan sinh động, Ban liên lạc Cựu chiến binh biệt động Cần Thơ còn tái hiện diễn biến những trận đánh lớn của lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ qua trình chiếu Powerpoint…
Chị Phạm Thị Thu, Phó bí thư Quận đoàn Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bày tỏ: “Hằng năm, vào mỗi dịp lễ, tết, chúng tôi đều tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động về nguồn, tham quan tại Khu di tích Căn cứ Vườn Mận. Chúng tôi rất cảm phục tinh thần chiến đấu kiên cường, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Phát biểu tại buổi lễ đưa danh sách 203 cán bộ, chiến sĩ biệt động hy sinh vào nhà trưng bày Khu di tích Căn cứ Vườn Mận, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội địa phương sẽ làm tốt công tác quảng bá, phục vụ, để Khu di tích Căn cứ Vườn Mận sẽ là điểm tham quan, về nguồn đầy ý nghĩa cho mọi người dân tìm hiểu về lịch sử dân tộc”.
Bài và ảnh: QUANG ĐỨC