Những lần liều mình đi làm báo
“40 năm – Đi, yêu và viết” là cuốn hồi ký nghề báo ra mắt nhân dịp kỷ niệm hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân. Cuốn sách 600 trang gói gọn sự nghiệp của “cây bút phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân,
Điều đặc biệt cuốn hồi ký ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân. Cuốn sách “40 năm đi, yêu và viết” bao gồm 4 phần: Chương 1: Ký ức điểm lại con đường vào nghề của tác giả, bao gồm thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động; sau đó trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam…
Được biết nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trưởng thành từ một phóng viên bình thường. Ông viết nhiều thể loại và các lĩnh vực khác nhau. Làm báo khoảng 7- 8 năm nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều bạn đọc biết đến với nhiều bài viết về thể loại phóng sự.
Những năm đầu làm ở báo Tuổi Trẻ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân lần lượt được phân công viết nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh quốc phòng, nội chính, liên quan ít nhiều đến pháp luật. Nên có những vụ việc liên quan đến điều tra ông cũng phải lao vào. Ông không nhớ được mình đã điều tra bao nhiêu vụ, chỉ nhớ là giai đoạn này khá căng thẳng. Đó là những vụ điều tra về bắt cóc, vụ oan sai, vụ hành hung CSGT, những vụ tiêu cực kinh tế ở vài đơn vị này nọ.
Có nhiều vụ điều tra thành công. Nhưng cũng có những vụ chưa được như mong muốn. Điển hình như vụ bắt người oan sai ở Q.6, TPHCM, mà gần đây báo chí đang lật lại hồ sơ vì nạn nhân vẫn đang kêu oan, đi kiện khắp nơi.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Có những vụ người ta dọa xử tôi bằng lựu đạn. Cũng có người đòi moi tim gan tôi xem nó lớn thế nào. Nhưng khi mình đúng và có một tập thể mạnh đằng sau thì may mắn việc đó đã không xảy ra. Tôi vẫn còn được đi, yêu và viết cho đến hôm nay…”.
Tại buổi ra mắt sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể về những lần liều mình khi làm báo, như lần viết phóng sự về voi rừng, ông một mình vào rừng nhiều ngày để rồi sau khi về có một phóng sự về bảo tồn voi ở Tây Nguyên. Hay câu chuyện ông liều xin đi nhờ máy bay để đi tìm một máy bay bị rơi khác, đây được coi là liều vì đã có nhiều chuyến bay gặp nạn ở vùng đất này, thực tế thời điểm đó, chính chiếc máy bay ông xin “đi nhờ hụt” đã gặp nạn trên đường đi cứu hộ.
Hay có những lần ông đi vào khu vực biên giới của nước khác để làm phóng sự về buôn lậu, đi 50km để vào sâu trong nội địa, không được mang bất cứ dụng cụ tác nghiệp hay giấy tờ gì, nếu như những vụ việc bị phát hiện rất dễ gặp những bất trắc vì vấn đề vượt biên trái phép… trong rất nhiều phóng sự ông đều phải “liều” như thế.
Truyền cảm hứng cho rất nhiều người
“40 năm – Đi, yêu và viết” nhà báo Huỳnh Dũng Nhân muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình. Để biết đâu cũng có người “nhặt nhạnh” được chút kinh nghiệm làm báo từ đây. Tại Chương I “Ký ức” ông viết về con đường vào nghề của ông; Chương II là một số phóng sự nổi bật của tác giả; Chương III là phần các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm; Chương IV gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Tất cả các bài viết đều lồng ghép đan xen phân tích các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng… Bạn đọc có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc – một người bạn của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Đi, yêu và viết”, bản thân tên cuốn sách cũng đã nói rất nhiều điều. Một con người đi nhiều, rất nhiều người bạn làm báo và những người bạn đọc báo. Tôi đọc thường xuyên trang mạng của anh Nhân thấy ngày nào cũng vài ba chục bài và những người bạn hưởng ứng nhiệt tình. Đây là một điều rất tốt. Chỉ có đi, yêu và viết thì mới có được thế”.
Còn theo nhà báo Võ Hồng Thu – Báo Tiền phong chia sẻ: “Trong tủ sách nhà tôi hồi xưa có cuốn “Ăn tết giữa rừng chó sói” của anh Huỳnh Dũng Nhân. Cơ duyên để tôi quen biết anh chính là trên Facebook. Cách đây 3 năm, VTV có chương trình “Quán thanh xuân”, tôi làm truyền thông cho chương trình này. Anh lúc đó là bạn Facebook và nhắn tin với tôi là “Chương trình nhà tập thể anh nói thì hay lắm! Anh có rất nhiều kỷ niệm”. Sau đó, tôi nói với Diễm Quỳnh và thực tế anh đã tham gia 3, 4 chương trình “Quán thanh xuân”. Tôi nhận thấy anh Nhân có thể tham gia bất kỳ chương trình nào, anh đều nói rất hay, đều có kiến thức về phần đó mà theo như chúng tôi, đây là một khách mời khá là an toàn.
“Qua chương trình, tôi cũng nhận thấy anh Nhân là một người sống hào hứng. Anh nói mình có động lực sống nhưng tôi thấy bản thân anh là người có thể truyền được cảm hứng sống cho rất nhiều người khác. Anh cũng bị một số căn bệnh nhưng anh vẫn vươn lên. Anh Nhân là một tấm gương của một người anh trong làng báo, luôn luôn có sự hào hứng vui vẻ. Anh Nhân như một người đàn ông trẻ con, anh luôn vui vẻ, sống tích cực và truyền lối sống đó cho chúng tôi” nhà báo Võ Hồng Thu chia sẻ.
Có thể nói, cuốn sách “Đi, yêu và viết”, như một món quà với người làm báo, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Tôi sống bằng tình đồng nghiệp, ở đâu tôi cũng có những người bạn và đồng nghiệp giúp tôi nhiều lắm…”