Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra sách “Đi, yêu và viết”. Ngày 17/6/2023, Huỳnh Dũng Nhân đôi chân còn khập khễnh do bị tai biến đã tổ chức giới thiệu đứa con tinh thần ấy tại Hà Nội, trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, vui đáo để. Trời đất ủng hộ nhà báo già nên mưa tạnh, không khí ngột ngạt oi nồng của mùa hè Hà Nội như biến đi đâu, dịu mát.
Từ sáng sớm Út Mũi Né cùng với nhiều cây bút già, mà Huỳnh Dũng Nhân đã nhật ký trên facebook, tếu táo rằng “Các nguyên nọ, nguyên kia (như nguyên các Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung, Phạm Quốc Toàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, nguyên Tổng Biên tập báo Nhà báo – Công luận Nguyễn Ngọc Niên…) tề tựu đông vui cùng cây bút cao niên họ Huỳnh gốc tỉnh Bến Tre, đẻ nơi xứ Thanh, lớn lên tại xóm nhà báo 5. Lý Thường Kiệt, Hà Nội (khu tập thể báo Nhân Dân), vui tuổi già chân khập khễnh tại khu Sài Gòn – Gia Định.
Nhà lý luận – phê bình Phạm Xuân Nguyên, gần tròn 70 cái xuân xanh, tóc như cước, râu bạc dài tới ngực chống gậy húng hắng cười khì khì lấy giọng và chơi chữ cùng nhóm bạn:
– Cha Nhân này được lắm, tôi là bạn của lão gọi đích danh lão là “Ngũ nhân nhất diện Huỳnh Dũng”. Huỳnh Dũng Nhân tài hoa học cả VĂN và BÁO. Nhân VĂN, lão đọc sách và viết văn như xiếc nhưng thi vô báo Văn Nghệ Sài Gòn thì rớt đài. Nhân THƠ, lão có tới 4 – 5 tập thơ trình làng, thơ tình của lão miêu tả cái sự yêu mượt mà lắm. Nhân BÁO, lão là “vua” phóng sự, báo Lao Động có 250 phóng sự nổi tiếng, lão Nhân chiếm tới 150 bài. Nhân HỌA, vài năm sau cơn đột quỵ khi đi cột cờ Lũng Cú tận Hà Giang, lão vẽ 2.000 bức tranh, ký họa nhân vật. Nhân THUYẾT, lão giảng dạy nghề, truyền nghề viết phóng sự như giảng đạo, rất được sinh viên ngữ văn – báo chí mến mộ.
Phạm Xuân Nguyên lại húng hắng lấy giọng, vuốt chùm râu bạc, cười khục khục với các nguyên nọ, nguyên kia:
– Một mình lão Nhân tuổi 70 hội đủ 5 nhà, không là NGŨ NHÂN NHẤT DIỆN thì là gì đây? Có thể kể thêm cái Nhân YÊU, lão rất yêu nghề và cũng rất yêu đời, yêu phái đẹp (!). Nếu có ai gọi lão là LỤC NHÂN thì cũng trúng phóc.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cùng lớn lên với Huỳnh Dũng Nhân thời “nón cối mũ rơm” đi sơ tán trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, là con trai cụ nhà báo lớn Tạ Quang Đạm, cháu ruột cụ Tạ Quang Bửu lừng danh, người không để râu như Phạm Xuân Nguyên, lịch lãm phân trần thêm cho bạn, cùng bạn:
– Phạm Xuân Nguyên trúng phóc, nói Huỳnh Dũng Nhân có ngũ Nhân hay lục Nhân thì cũng trúng cả. Nhà báo đa tài, vua phóng sự thì Nhân BÁO là số một, YÊU nghề cũng số một. Này nhé, Nhân đi với nhà văn Võ Khắc Nghiêm về vùng mỏ than dặn “Cậu cứ ngồi nhà khách mà chơi cho sướng, mà tịnh dưỡng, viết về vùng than thì cậu không vượt qua được tớ đâu nhé. Cần bài phóng sự về vùng than để về nộp cho tổng biên tập thì tớ sẽ viết hộ rồi cậu cứ ký tên tác giả là Huỳnh Dũng Nhân, coi như cậu hoàn thành nhiệm vụ. Nhuận bút tớ cho cậu luôn cho được cái tiếng thơm yêu bạn… Nhưng Huỳnh Dũng Nhân yêu nghề đâu có chịu, lão đã khoác ba lô về mỏ khu Mông Dương, chui xuống 100 mét hầm lò đào than cùng các anh thợ mỏ, để sau đó là sự ra đời của thiên phóng sự kinh điển “Hai giờ dưới lòng đất” đăng báo Lao Động, đoạt giải thưởng cao.
Buổi lễ ra mắt tập sách “Đi, yêu và viết” của “Ngũ NHÂN”, “Lục NHÂN” thành cuộc thời đàm – nhàn đàm thật vui, rất ý nghĩa cho nghề. Các bô lão – các nguyên nọ nguyên kia (Nhật ký facebook của Nhân) mỗi người luận bàn một ý, một tứ, tự nó càng lột tả – làm sáng tỏ phẩm hạnh, nhân cách một cây bút đa năng, trách nhiệm xã hội đong đầy, cây cọ đa tài họ Huỳnh.
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Huỳnh Dũng Nhân đã lại truyền đạo – truyền lửa nghề, lòng đam mê cho các phóng viên trẻ, các sinh viên báo chí. Huỳnh Dũng Nhân nói: YÊU là số một, không YÊU nghề, đam mê sống chết với nghề thì chẳng thành nghề. Không yêu là đồng nghĩa với sự lười biếng, hời hợt, nhạt nhòa với cuộc sống vô cùng đáng yêu này.