Đường đến sân vận động Panasonic Suita

Ngay khi có kế hoạch đến Osaka, nơi có 2 đội bóng nổi tiếng là Gamba Osaka và Cerezo Osaka, việc đầu tiên của tôi là tìm xem có trận đấu bóng đá nào của một trong hai đội bóng này. Trên lịch thi đấu J.League 1 năm 2023, vào dịp tôi đến Osaka có trận Gamba Osaka-Kashima Antlers ở vòng 18.

Giá vé 4.100 yên/vé (khoảng 700.000 đồng) với vé điện tử có mã QR, đủ để ngồi từ vị trí khu vực giữa khán đài B dù không quá gần đường biên sân bóng. Để tôi sở hữu tấm vé giấy, người mua vé cho tôi đã tới một cửa hàng thuộc hệ thống 7-Eleven ngay ở Kobe để in vé. Mất thêm 220 yên cho việc này (phí sử dụng hệ thống 110 yên cộng phí phát hành 110 yên) và tôi có tấm vé giấy vào sân đồng thời có thứ giữ lại làm kỷ niệm. Đó cũng là sự liên kết thấy rõ giữa J.League 1 với hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở khắp Nhật Bản, vốn đã được thực hiện từ nhiều năm trước.

 Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè Việt Nam đi du lịch, học tập tại Nhật Bản trước sân vận động Panasonic Suita.

Sân vận động Panasonic Suita, sân nhà của CLB Gamba Osaka từ năm 2016, nằm ở thành phố Suita thuộc tỉnh Osaka. Hãng Panasonic có trụ sở chính đặt tại thành phố Kadoma gần đó, đã mua lại quyền đặt tên của sân vận động để rồi từ ngày 1-1-2018, sân mang tên Panasonic Suita.

Sân bóng cách trung tâm Osaka khoảng 22km và để đến đây có nhiều cách từ đi xe bus, tàu điện đến taxi. Chúng tôi chọn tàu điện với thời gian di chuyển 45 phút, trong đó có việc di chuyển từ ga Osaka tới ga Minami Ibaraki. Sau đó, chúng tôi chuyển đến ga Bampaku Kinenkoen, ga tàu gần sân vận động Panasonic Suita. Mới đến ga Minami Ibaraki, chúng tôi đã dễ dàng cảm nhận không khí lễ hội bóng đá cuối tuần khi hàng nghìn cổ động viên mặc áo thi đấu (giá hiện tại là 27.500 yên một chiếc-tương đương hơn 4,6 triệu đồng) của Gamba Osaka “đổ bộ” đến đây, rồi tiếp tục di chuyển đến đường tàu dẫn đến ga Bampaku Kinenkoen.

Ở Bampaku Kinenkoen, CLB Gamba Osaka đặt cả dãy cờ dài tại sân ga, trên mỗi lá cờ in hình một cầu thủ đang thi đấu cho đội bóng, như tiền đạo Takashi Usamai hay thủ thành Masaaki Higashiguchi. Đó là cách tôn vinh các cầu thủ, cũng là cách để cổ động viên thêm gần gũi cầu thủ của đội, đồng thời cũng là điểm check-in lý tưởng cho các cổ động viên, khách du lịch.

Khán giả trên đường từ ga Bampaku Kinenkoen đến sân Panasonic Suita. 

Từ ga Bampaku Kinenkoen đến sân vận động Panasonic Suita khoảng 1,3km, người xem chỉ còn cách đi bộ đến sân. Ở xứ Phù tang, khoảng cách như vậy là bình thường với những người Nhật vốn quen đi bộ. Con đường đến sân thực sự cũng không dễ với những người lần đầu đặt chân đến đây. Tuy nhiên, chúng tôi may mắn khi được 2 anh chàng học sinh trung học phổ thông tại Osaka cũng đến xem trận đấu này, dẫn đến nơi đến chốn.

Trên quãng đường di chuyển đến sân, một cậu học sinh tên Tanaka Kazuki khi biết chúng tôi là người Việt Nam thì vô cùng hồ hởi. Cậu là “fan” ruột của đội bóng Cerezo Osaka, mở điện thoại có hình thủ thành Đặng Văn Lâm, mùa trước còn thi đấu cho Cerezo Osaka, để hỏi chúng tôi là có biết thủ môn này không? Thật vui khi thủ thành Đặng Văn Lâm dù về nước thi đấu nhưng vẫn được cổ động viên của Cerezo Osaka nhớ tới.

Tỉ mỉ, tiện ích, cuồng nhiệt

Chúng tôi đến khu khán đài sân vận động Panasonic Suita cũng là lúc trận đấu chuẩn bị bắt đầu. Lúc này, thủ tục trước trận đấu được thực hiện trang trọng, hoành tráng với những lá cờ lớn phải hơn chục người đỡ của cả Gamba Osaka lẫn Kashima Antlers được trưng ra sau đội hình chính của hai đội.

Trên khán đài, cổ động viên của hai đội đều đứng lên, hát vang bài hát truyền thống của đội nhà và giơ lên những tấm khăn có in tên CLB trên đó. Khung cảnh này thực sự là mơ ước ở các đội bóng, sân bóng tại Việt Nam; một trong nhiều điều đáng để ngẫm về V-League hay các sân bóng nói chung ở Việt Nam. Như chuyện sau mỗi ghế ở khán đài đều có chỗ đặt chai nước vào đó phục vụ khán giả ngồi sau. Như vậy vừa đỡ bừa bộn, đỡ tốn diện tích thay vì đặt ngang như ở các rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị tại Việt Nam, lại vừa mang lại tiện ích cho người xem.

Cũng ở J.League 1, khán giả thoải mái mang đồ ăn vào sân, kể cả ăn mì, sashimi ngay trên khán đài. Quan trọng là sau khi ăn, người hâm mộ đều bỏ đồ vào túi rác mang ra ngoài sân, nơi đó đã có nhân viên vệ sinh cầm túi đựng rác to hơn đứng chờ.

Hoạt náo viên Gamba Osaka giữa trận đấu, trong khuôn khổ J.League 1. 

Cũng phải kể thêm, sân vận động Panasonic Suita được thiết kế khá tiện dụng cho những người xem bóng đá khi không có đường piste. Nhờ đó, khán giả thưởng thức trận đấu dễ hơn, nhìn rõ cầu thủ. Ánh sáng của sân với dàn đèn chạy ngang hai khán đài chính được thiết kế bảo đảm toàn bộ mặt sân nhận đủ ánh sáng thay vì nơi sáng hơn, nơi tối hơn. Đáng chú ý, nguồn điện mang lại ánh sáng của sân đến từ các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặc trên các khán đài. Ở Nhật Bản, tất cả khán đài sân vận động đều có mái che hạn chế tối đa cổ động viên bị mưa ướt.

Màn hình trên sân được chia đôi, phục vụ tối đa nhu cầu thưởng thức của khán giả. 

Trong khi đó, hai màn hình đặt ở hai góc sân thực sự đáng để mơ ước khi xem bóng đá. Ở đó, màn hình có thể chia đôi trong một tình huống đá phạt để khán giả có thể theo dõi cả hảo thủ sắp sút phạt cũng như những cầu thủ đang kèm nhau ở khu vực cấm địa. Khi cầu thủ Gamba Osaka ghi bàn, ít giây sau trên màn hình điện tử đã hiện lên những thông tin và hình ảnh về cầu thủ. Thực sự, đây là cách phục vụ khán giả chu đáo, cũng như truyền tải tới người xem về việc tận dụng các thành tựu của công nghệ.

Giữa hai hiệp trận đấu, các thành viên, nhân viên của CLB Gamba Osaka với nhiều lứa tuổi khác nhau đi vòng quanh sân cảm ơn, tri ân khán giả đồng thời gửi đi thông điệp về một “gia đình Gamba Osaka”, trong khi các hoạt náo viên cũng đãi khán giả bằng những điệu nhảy đầy sôi động. Còn tại hai cửa dưới khán đài sân nhà của Gamba Osaka luôn có đội ngũ hoạt náo viên nữ nhảy múa suốt trận đấu.

Nói thêm về sân vận động Panasonic Suita thì phải kể đến khu vệ sinh ở sân. Ở đó, khu vệ sinh thực sự ngăn nắp, sạch sẽ với hệ thống bồn cầu đủ phục vụ hàng chục người cùng lúc. Chẳng riêng sân nhà của đội bóng Gamba Osaka mà tại nhiều địa điểm vệ sinh công cộng ở Nhật Bản cũng đều sạch sẽ và hiện đại với hệ thống bồn cầu tự động. Đó cũng là một nét đặc trưng, thể hiện rõ văn hóa của người Nhật khi luôn chú trọng tối đa đến sự tiện dụng, thân thiện.

Cổ động viên Gamba Osaka ăn mừng chiến thắng của đội nhà.

Tất cả lại cho thấy những điều đáng nể khác về người Nhật. Và để thấy rằng, giá trị việc đi xem một trận bóng đá trong khuôn khổ J.League 1 tại Nhật không dừng lại ở những pha bóng sân mà còn có nhiều điều khác đáng để suy ngẫm, có thể áp dụng, thực hiện tại Việt Nam.

Tại sân, chúng tôi cũng gặp một nhóm người Việt đến sân trong đó có anh Nguyễn Đình Hùng (phố Lạc Trung, Hai Bà Trưng). Vợ chồng anh đi thăm con, đang là sinh viên đại học Ritsumeikan và dịp này cả hai bố con cùng cậu bạn của con-cũng là sinh viên trường Hyogo (Kobe) quyết định chọn một trận đấu J.League 1 là trải nghiệm không thể bỏ qua tại Nhật Bản. Anh Hùng kể rằng, ít năm trước, người bạn của anh từng đến sân Hàng Đẫy xem đá bóng và khi muốn đi vệ sinh đã lắc đầu với khung cảnh ánh sáng lờ mờ, nhà vệ sinh xuống cấp. Bạn anh chấp nhận “nhịn”… Thế nên, mỗi khi đến sân bóng nào đó, anh Hùng đều đến nhà vệ sinh bởi ở đó là nơi người hâm mộ đánh giá/cảm nhận rõ về sự đầu tư, chăm chút khán giả của ban tổ chức trận đấu.

Sau khi “trải nghiệm” tại nhà vệ sinh của sân Panasonic Suita, anh Hùng thực sự hài lòng: “Không thể chê vào đâu được, cực kỳ sạch sẽ và hiện đại. Đó có lẽ là cũng là lý do để tôi có thể đến với một trận đấu khác của J.League 1 trong những lần trở lại Nhật Bản sau này”.

Trận đấu vẫn chưa khép lại

Hôm đó, Gamba Osaka thắng 2-1 để tách xa vị trí cuối bảng nên bầu không khí càng hân hoan, sôi động.

Nhưng nếu sau khi tiếng còi mãn trận vang lên mà bạn vội bỏ về thì sẽ rất phí. Thứ nhất, đa số khán giả vẫn nán lại sân rất lâu để cùng chia sẻ kể cả niềm vui hay nỗi buồn với các cầu thủ, chứ không vội rút ngay vì sợ tắc đường hay hết trận rồi ở lại làm gì. Ở lại là có lý vì sau trận, đội chủ nhà cũng như đội khách đều đến chào các cổ động viên một cách trọng thị, đầy biết ơn.

Thứ hai, không biết ở các sân bóng khác thế nào, nhưng ở sân Panasonic Suitan còn có màn chào hỏi ấn tượng mà tôi chưa từng thấy ở các sân bóng tại Việt Nam. Ở đó, khi các thành viên của đội bóng đến chào, tri ân các cổ động viên “ruột” ở khu khán đài sau cầu môn, đèn trên sân hầu như tắt, chỉ còn chiếu tập trung về phía thành viên đội bóng. Trên khán đài là cả quầng xanh phát ra từ các vòng đeo tay, cục phát sáng do các cổ động viên giơ lên. Tất cả tạo nên khung cảnh thực sự bắt mắt, trang trọng và ấm áp, rõ sự gắn kết giữa đội bóng với cổ động viên.

Cầu thủ Gamba Osaka tri ân khán giả trong quầng xanh – màu áo truyền thống của CLB, từ các vòng đeo tay, cục phát sáng của cổ động viên. 

Đường về từ sân vận động Panasonic Suita ra ga tàu điện hôm đó cũng không còn xa như cảm giác lúc đến, khi bên cạnh chúng tôi là hàng nghìn cổ động viên cùng ra về trong trật tự. Khi đến đường dẫn lên ga Bampaku Kinenkoen, đoàn người bỗng nhiên khựng lại. Phía trước chúng tôi cả trăm mét là những hàng dài người kiên nhẫn đứng đó. Ở phía sau chúng tôi cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, không hề có tiếng lao xao, thắc mắc vì họ có lẽ đã quen với cảnh này.

Hóa ra, để hạn chế người vào ga, bảo đảm vừa đủ số người lên tàu, bộ phận nhân viên ở ga đã tạm thời dừng đoàn người lại. Cũng chẳng cần đến còi, dùi cui, những cái chỉ tay, nặng lời, chỉ cần hai nhân viên khoảng ngoài 60 tuổi cầm 1 đầu dây (đầu kia buộc vào lan can của đường lên) và chập hai người ra giữa đường là đủ báo ký hiệu cho đoàn người dừng lại. Chúng tôi mất thêm 2 lần dừng nữa với khoảng 15 phút trước khi vào ga tàu nhưng cũng như tất cả người xung quanh, đều kiên nhẫn chờ không theo kiểu mạnh ai người ấy đi. Đến ga tàu, nhà ga còn cho nhân viên cầm bảng chỉ dẫn khách đi đúng đường tàu với thái độ vui vẻ, hòa nhã. “Chi tiết, tỉ mỉ đến vậy là cùng!”, anh Hùng đi bên cạnh tôi xuýt xoa.

MINH QUANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.