Sự kiện do Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đồng tổ chức.
Theo ban tổ chức, với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp thu hút khách quốc tế, trong đó có khách Nhật Bản đến Việt Nam vào dịp cuối năm cũng như thời gian tới, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai nước, hội thảo sẽ tập trung phân tích về bức tranh du lịch hai nước Việt – Nhật. Qua đó tìm kiếm các giải pháp truyền thống, cũng như công nghệ để thúc đẩy dòng khách tiềm năng Nhật Bản.
Chương trình có sự tham gia của đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành hàng đầu Việt Nam, chuyên gia và người am hiểu du lịch Nhật Bản. Các bên sẽ chia sẻ những biện pháp nhằm khai thác hiệu quả và tăng tốc thị trường khách quốc tế, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Trong đó, đại diện Sở Du lịch TP.HCM sẽ thảo luận những sự thay đổi của thị trường Nhật Bản trong top 10 thị trường khách quốc tế của thành phố; Chuyên gia người Nhật chia sẻ về hành vi tiêu dùng mới của khách du lịch, cùng các giải pháp về công nghệ, sản phẩm mới đề xuất từ các công ty du lịch, lữ hành để đón đầu lượng khách quốc tế trong những tháng cuối năm.
Đồng thời, hội thảo cũng đề cập đến cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua các công cụ số, mạng xã hội như một giải pháp tất yếu.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024 du khách Nhật Bản đến Việt Nam xếp thứ 5 với 461.000 lượt. Dù vẫn nằm trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam nhưng vị trí của thị trường Nhật Bản đang không còn mang tính dẫn dắt như trước dịch COVID-19.
Nhìn tổng thế, xu hướng du khách Nhật Bản ra nước ngoài giảm chung ở các điểm đến, không chỉ riêng Việt Nam. Dữ liệu của Chính phủ Nhật cho biết tỉ lệ người dân có hộ chiếu còn hạn sử dụng cũng giảm mạnh.
Trước đại dịch, khoảng 24% dân số Nhật Bản có sẵn hộ chiếu, nhưng đến năm 2023 chỉ còn 17% người dân có hộ chiếu còn hạn sử dụng, điều này phản ánh nhu cầu đi du lịch nước ngoài đã giảm. Theo các thống kê gần nhất là 35% người Nhật không có ý định du lịch nước ngoài trong bối cảnh đồng tiền mất giá.
Tuy vậy, nếu du lịch Việt Nam biết cách nắm bắt và làm thỏa mãn được nhu cầu của du khách Nhật Bản, vẫn sẽ có cơ hội thúc đẩy lượng khách này đến du lịch Việt Nam.
TP.HCM với lợi thế có chỉ số mức độ hài lòng mà du khách Nhật Bản phản hồi cao, đang tiếp tục là điểm đến được ưa thích. Thời gian qua, một số khách sạn trên địa bàn đã tăng cường các gói kích cầu du khách Nhật, bằng các ưu đãi đặc biệt về giá đối với du khách Nhật đến Việt Nam công tác. Ngoài ra, có các gói ưu đãi về đưa đón sân bay, nâng cấp hạng phòng linh hoạt, bổ sung ẩm thực Nhật vào thực đơn…
Nhưng theo các doanh nghiệp, để kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng cường mức chi tiêu của khách Nhật, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/di-tim-san-pham-du-lich-hap-dan-khach-nhat-ban-20240923174956417.htm