Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đi tìm quả ngọt trên núi

Cuối tháng 3, nắng vương dài theo những vườn na trên núi đá ở Võ Nhai. Tranh thủ những ngày khô ráo hiếm có trong tiết trời mùa Xuân, người nông dân cần mẫn dọn dẹp, đốn nốt những khu vườn na còn lại. Khác với những năm trước, năm nay, nhiều hộ dân thâm canh na rải vụ nên thời điểm đốn cho cây na muộn hơn. Dù vậy, số tiền thu hoạch na cũng đạt khá hơn một năm. Chuẩn bị bước vào một vụ na mới đầy hứa hẹn, bà con ai cũng phấn chấn bởi đi qua bao tháng năm, cây na đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân nơi đây.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên30/03/2025

Thâm canh na rải vụ mang lại cho người trồng na Võ Nhai nguồn thu nhập cao hơn.
Thâm canh na rải vụ mang lại cho người trồng na Võ Nhai nguồn thu nhập cao hơn.

Thâm canh rải vụ, tăng nguồn thu

Tháng 11-2021, mô hình thâm canh na rải vụ bắt đầu được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại xã La Hiên và Phú Thượng (Võ Nhai) và được người dân đón nhận rất tích cực. Bà Đàm Phương Thảo, xóm Mỏ Gà, chia sẻ: Nếu duy trì lối thâm canh cũ sẽ không bao giờ sự bứt phá. Do đó, có cơ hội được tham gia vào một mô hình nhiều triển vọng như thế nay, người trồng na ở đây rất phấn khởi.

Với sự đồng hành của những cán bộ làm công tác khuyến nông, sau 3 năm thực hiện (đến tháng 11-2024, mô hình kết thúc), 3ha na của 8 hộ dân tham gia mô hình đã đạt được những kết quả rất tích cực. Thực hiện đúng biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, đốn tỉa cành, thụ phấn nhân tạo và  hướng quả trong thân cây na, các hộ dân đã đạt được mục tiêu đề ra khi thu được nhiều lứa quả trong năm. Cụ thể, vụ chín sớm vào tháng 7 (từ 25-30% sản lượng); vụ chín chính vụ vào tháng 8 và 9 (55-65% sản lượng); vụ chín muộn vào tháng 10 và 11 (10-15% sản lượng).

Khi thực hiện mô hình thâm canh na rải vụ, do áp dụng biện pháp kỹ thuật đồng bộ đã làm tăng độ phì của đất, giúp cây na sinh trưởng tốt, từ đó, tăng năng suất, chất lượng, kéo dài thời gian thu hoạch và tăng tuổi thọ của cây… Theo đó, mô hình đã cung cấp sản phẩm na chất lượng cao hơn sản xuất thông thường, kéo dài thời gian cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11, nâng cao giá trị sản phẩm tăng từ 10% trở lên.

Với lượng quả sản xuất ra to đều, mẫu mã đẹp, thơm, ngọt đậm hơn, giá bán na  ở các trà sớm và muộn cao hơn chính vụ ít nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Riêng năm 2024, mỗi héc-ta na rải vụ cho thu hơn 460 triệu đồng, trừ chi phí vật tư; lãi gần 328 triệu đồng, cao hơn 123 triệu đồng so với sản xuất thông thường và cao hơn 31 triệu đồng so với năm 2023.

Những mùa quả ngọt ở Võ Nhai đã được nhiều người biết đến qua việc bán hàng online qua các trang mạng xã hội.
Những mùa quả ngọt ở Võ Nhai đã được nhiều người biết đến qua việc bán hàng online trên các trang mạng xã hội.

Đáng nói, từ 8 hộ dân thực hiện đầu tiên, đến nay, thâm canh na rải vụ đã được nhân rộng trên địa bàn huyện. Học hỏi những hộ đi trước, bà con đã chủ động thâm canh na rải vụ đúng quy trình, vừa bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn trước.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Người trồng na đã thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây chính là xu hướng tất yếu để Thái Nguyên hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm na nói riêng.

Đón lứa quả mới

Từ nay đến khi thu hoạch lứa quả na đầu tiên của vụ sản xuất năm nay chỉ còn gần 4 tháng nữa. Người trồng na Võ Nhai đang tập trung vào các cộng đoạn chăm bón sau đốn cây. Bà Đinh Thị Phàn, xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) cho hay: Sau thu hoạch, cây na thường rất yếu do mất đi nhiều dưỡng chất trong quá trình nuôi dưỡng quả. Để giúp cây hồi phục, chúng tôi thực hiện cách tỉa cành, tạo tán cho na. Sau đó dọn dẹp để vườn thật thông thoáng, hạn chế sự tồn tại của nấm bệnh.

Phần việc đốn, tỉa, dọn dẹp cho vườn na khá là vất vả nhưng những người nông dân hay lam, hay làm ngày ngày vẫn miệt mài làm việc. Với họ, niềm vui lớn nhất chính là chỉ qua vài ngày tỉa cành, gặp thời tiết thuận lợi, từng chiếc mầm xanh non đã bắt đầu bật khỏi những cành cây. Dự là trong vài tuần tới, cây sẽ lên xanh và bắt đầu nở hoa.

Hiện nay, mô hình thâm canh na rải vụ đã được nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, mô hình thâm canh na rải vụ đã được nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh.

Khi hoa nở, người nông dân lại bắt tay vào một hành trình chăm sóc mới. Thời chưa nắm bắt được khoa học, kỹ thuật, việc thụ phấn hoa diễn ra thuận theo tự nhiên nên quả na to, nhỏ không đều, năng suất thấp. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, các hộ dân đã chủ động thụ phấn cho na. Bởi thế, từng vườn na cho những quả to, tròn, đều tăm tắp. Qua những ngày miệt mài, cây na đậu quả, lớn nhanh và thường cho vụ quả chín đầu tiên vào dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 (diện tích na thâm canh rải vụ sẽ cho lứa quả sớm hơn khoảng 2 đến 3 tuần).

Bà Đàm Phương Thảo: Công đoạn thu hoạch khá vất vả, nhất là những vườn na trên núi cao. Để giảm công lao động, nhiều hộ dân ở La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng… đã cùng nhau góp tiền làm roòng rọc đưa những thúng chưa đầy quả na vừa mở mắt tròn căng từ trên núi xuống phía chỉ trong vòng một “nốt nhạc”. Sau đó, na sẽ được chất lên xe máy, xe ô tô tỏa về muôn nơi để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Theo lời kể của các cụ cao niên, na đã được trồng trên núi đá Võ Nhai dễ đến 60 năm rồi. Năm tháng qua đi, na ngày càng khẳng định là cây trồng chủ lực của huyện vùng cao này. Đến nay, huyện đã có gần 700ha na, trong đó có 200ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trải dài từ La Hiên lên đến Lâu Thượng, thị trấn Đình Cả, lên Phú Thượng, vòng vào Tràng Xá qua Dân Tiến sang Phương Giao… đâu đâu cũng thấy những vườn na đang vươn mình thức dậy sau bao ngày “ngủ” Đông. Vậy là một mùa thâm canh na mới đã bắt đầu. Để có những mùa trái ngọt, mang về bộn tiền cho người nông dân phải trải qua những ngày tháng rất vất vả. Dẫu vậy, người dân vùng cao vẫn vui khi năm tiếp năm, cây na ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao hơn khi 3 năm nay, sản lượng đạt khoảng 6 nghìn tấn/năm, với giá bán bình quân từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg; nhiều loại na có thể đưa ra thị trường với giá từ 40-50 nghìn đồng/kg…

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202503/di-tim-qua-ngot-tren-nui-dec3882/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm