Tuần giao dịch vừa qua mang tính chất hồi phục kỹ thuật của thị trường chung, sau nhịp giảm mạnh và sâu trước đó. Thanh khoản sụt giảm, xác nhận nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật, khi giá trị giao dịch trung bình chỉ xoay quanh 16.000 tỉ đồng/phiên, giảm hơn 40% so với tuần giao dịch liền trước.
Thống kê theo ngành, viễn thông, công nghệ thông tin và bán lẻ là các nhóm ngành hồi phục mạnh nhất trong tuần qua, với các cổ phiếu nổi bật như FPT, CTR, VGI, MWG, FRT. Ngược lại, bất động sản, hàng – dịch vụ công nghiệp, điện – nước, xăng dầu – khí đốt duy trì xu hướng giảm.
Nhận định về việc cổ phiếu nhóm ngành nào sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, dường như sự chú ý của chuyên gia đều hướng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán sau khi bức tranh báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 của các nhóm ngành này đang mang lại nhiều kỳ vọng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được ví như “cổ phiếu vua” bởi nhiều dư địa tăng trưởng cũng như vai trò trụ cột trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tích cực. Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh gần đây, định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn. Đáng chú ý, các chỉ số như P/E, P/B dự phóng ở nhóm này còn có xu hướng “rẻ hơn”, bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, “cơn mưa” cổ tức tiền mặt của nhóm này đang dần trở nên thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư, qua đó, tạo đà tăng giá cổ phiếu.
Với việc đón đầu cơ hội hồi phục của thị trường bất động sản, nhóm cổ phiếu bất động sản kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho nhà đầu tư, nhất là nửa cuối năm nay. Ngay trong giai đoạn khó khăn như năm 2023 thì cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường. Từ tháng 11.2022 đến tháng 11.2023, thị trường chứng khoán có một nhịp tăng mạnh, chỉ số VN-Index tăng từ 874 điểm lên 1.245 điểm và dẫn dắt đợt tăng giá này chính là sự phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi nhiều mã mất đến 80 – 90% giá trị trong nửa cuối năm 2022. Nhìn chung, các đợt tăng – giảm của VN-Index trong năm 2023 đều gắn liền với sự biến động của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Các chuyên gia đánh giá, bối cảnh vĩ mô thuận lợi như kinh tế phục hồi, hành lang pháp lý được hoàn thiện (Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư) được xem là trợ lực cho nhóm doanh nghiệp địa ốc, mang lại cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành này.
Trong khi đó việc go-live hệ thống giao dịch KRX, được xem như cơ hội để các công ty chứng khoán (CTCK) triển khai sản phẩm mới, mở rộng dư địa tăng trưởng và cũng là động lực cho nhiều đợt tăng của nhóm cổ phiếu ngành này đã tiếp tục lỗi hẹn. Song các chuyên gia đánh giá các CTCK vẫn có nhiều cơ hội kinh doanh tích cực.
Thị trường chứng khoán sôi động trong quý đầu năm, giúp các CTCK gia tăng nguồn thu, lợi nhuận từ các mảng hoạt động. Đặc biệt, cho vay giao dịch ký quỹ (margin) hiện đang là mảng đem lại nguồn thu chính cho các CTCK. Nguồn thu từ mảng này thường chiếm khoảng 25 – 40% doanh thu hoạt động, thậm chí là mảng đóng góp lớn nhất tại một số công ty. Về lợi nhuận, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp đến hơn một nửa tổng lãi trước thuế của nhóm công ty chứng khoán trong quý I/2024.
Theo nhận định của tổ chức VIS Rating, triển vọng lợi nhuận của các CTCK tiếp tục cải thiện sau đà tăng tích cực năm 2023. Khối lượng giao dịch chứng khoán tăng mạnh và tâm lý thị trường cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định.