Quán quân của cuộc thi sẽ có cơ hội đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Người phục vụ rượu vang giỏi nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2025 được tổ chức tại Kuala Lumpur vào năm 2025.
Nếu tiếp tục chiến thắng thì Việt Nam sẽ đại diện khu vực đi thi quốc tế.
Kiến thức về rượu vang gắn với các kỹ năng ẩm thực thiết yếu khác
Theo bà Khánh, với sự phát triển vô cùng phong phú của nền ẩm thực Việt Nam hiện nay, nhu cầu phát triển ngành rượu vang là cần thiết.
Ý tưởng của cuộc thi không chỉ cải thiện kiến thức về rượu vang mà còn bao gồm các kỹ năng phục vụ thiết yếu, ẩm thực và các loại đồ uống khác như: trà, cà phê, phô mai, cocktail, rượu mạnh, rượu sa kê…
“Ngoài các kỹ năng cơ bản, chúng tôi đưa ra những yêu cầu cho ban tổ chức giúp thí sinh đào sâu kiến thức nghiên cứu những món ăn phù hợp với rượu vang” – bà Nguyễn Thị Khánh cho hay.
Thí sinh tham gia cuộc thi có cơ hội hiểu rõ về rượu vang qua việc phát triển những kỹ năng thử, nếm mùi; liên kết, tạo cảm hứng và phát triển kinh doanh rượu vang, ẩm thực nước nhà…
Bên cạnh việc thi đấu, thí sinh cũng được gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia có chuyên môn hàng đầu trong ngành rượu vang.
Cuộc thi đã mời được một số giám khảo quan trọng như: bà Saiko Tamura-Soga – phó chủ tịch Hiệp hội Sommelier quốc tế ASI, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương; ông Giuseppe Vaccarini – chủ nhiệm Ủy ban khảo thí và giáo dục ASI, chủ tịch Hiệp hội Sommelier chuyên nghiệp Ý – ASIP…
Khi tham gia cuộc thi, thí sinh sẽ được dự các khóa đào tạo về kỹ năng thử rượu, nếm mùi, kiến thức về các vùng trồng nho, sản xuất rượu vang… để có đủ nền tảng kỹ năng “chinh chiến” ở khu vực quốc tế.
Mong Việt Nam phát triển ngành rượu vang
Nói với Tuổi Trẻ Online, bạn Khánh Vi, phó chủ tịch Liên chi hội Sommelier Việt Nam (VSA) và Chi hội Sommelier Sài Gòn (SSA), cho biết tại thị trường Việt Nam, việc học và lấy những chứng chỉ cao cấp về rượu vang khó khăn hơn so với các nước và vùng lãnh thổ lân cận như: Singapore, Hàn, Nhật, Hong Kong, Đài Loan…
“Hiện tại Việt Nam có vài cơ sở đang tổ chức giảng dạy khóa học rượu vang tên WSET (Wines and Spirit Education Trust). Đây là khóa học cấp bằng được công nhận quốc tế. Tại Việt Nam hiện nay chỉ đào tạo 3 cấp độ.
Cấp độ cao nhất là WSET Diploma chưa được tổ chức giảng dạy vì nhiều lý do như: số lượng người tham gia học còn ít, chi phí giảng dạy cao và cần phải mời giảng viên từ nước ngoài về.
Ngoài ra, đối với hệ thống đào tạo chính quy tại Việt Nam chưa đào tạo ngành phục vụ rượu vang (Sommelier). Các trường đại học chỉ đưa môn rượu vang vào là một môn học xuyên suốt các năm học của sinh viên mà thôi” – Vi chia sẻ.
Khánh Vi mong trong tương lai các đơn vị có thể xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc cấp chứng chỉ, đào tạo về rượu vang.
Theo Vi, đối với các nơi như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc… nếu muốn làm việc tại vị trí trợ lý Sommelier tại nhà hàng thì người học cần tối thiểu bằng cấp độ 2 của WSET hoặc cấp độ 1 (hay còn gọi là Introductory Sommelier) của CMS (Court of Master Sommelier).
Nếu muốn làm việc ở vị trí cao hơn, cần có tối thiểu cấp độ 3 của WSET hoặc cấp độ 2 (hay còn gọi là Certified Sommelier) của CMS.
Ngoài các bằng cấp ra, việc đạt thứ hạng cao hoặc vô địch các giải về rượu vang cũng vô cùng quan trọng.
Được sự chỉ đạo của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Liên chi hội Sommelier Việt Nam (VSA) và Chi hội Sommelier Sài Gòn (SSA) tổ chức cuộc thi Người phục vụ rượu vang giỏi nhất Việt Nam 2024.
Cuộc thi sẽ được tổ chức 3 năm một lần, với mục tiêu tạo ra môi trường chuyên nghiệp để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho những người đang làm việc hoặc có đam mê với ngành rượu vang và giới thiệu một ngành nghề mới đến với những người trẻ đang công tác trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam.
Cuộc thi tổ chức dưới các hình thức như: viết, vấn đáp, thực hành phục vụ và nếm thử rượu vang, gồm 3 vòng: tứ kết, bán kết, chung kết.
Chung kết sẽ diễn ra vào ngày 14-8-2024.
Nguồn: https://tuoitre.vn/di-tim-nguoi-phuc-vu-ruou-vang-gioi-nhat-viet-nam-20240801130446064.htm