Mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới là “tổ chức kinh tế tập thể, dựa trên sở hữu của thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực, ngành nghề và địa bàn (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối thu nhập theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm” (theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (IX). Đó là một hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế tập thể trong thời đại hội nhập hiện nay.
Trên thực tế, không phải HTX kiểu mới nào cũng hoạt động hiệu quả và đạt được kỳ vọng nâng cao đời sống nông dân. Đi tìm một mô hình hoạt động thật sự phù hợp, có hiệu quả, tạo được sự gắn kết giữa nông dân – doanh nghiệp – thị trường cho HTX kiểu mới đang là bài toán khó cần được các cơ quan chức năng tháo gỡ.
Bài 1: Bài toán khó của Hợp tác xã
Thời gian qua, mặc dù luôn được tỉnh quan tâm, củng cố và nâng cao chất lượng với nhiều chính sách hỗ trợ, vẫn còn không ít HTX gặp khó khăn khi hoạt động, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn, tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ… Do vậy, các HTX cần được kịp thời tháo gỡ những khó khăn để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh xem gian hàng trương sản OCOP tại HTX Quyết Tiến, huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ
Hạt nhân trong kinh tế tập thể
Hiện toàn tỉnh có 215 HTX, 2 Liên hiệp HTX, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động ở nông thôn. Ưu điểm của HTX là không bị giới hạn bởi chủ thể tham gia nên thu hút được nhiều thành viên tham gia, tạo điều kiện cho việc sản xuất, kinh doanh. Nguyên tắc hoạt động chính của HTX là dân chủ, bình đẳng, do vậy các thành viên có quyền biểu quyết, đưa ra quyết định các vấn đề quan trọng của HTX. Các thành viên tham gia vào HTX chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn đã góp vào HTX…
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, những năm gần đây, hoạt động của các HTX có chuyển biến tích cực; tạo công ăn việc làm cho lao động và tác động tích cực đến thu nhập hộ thành viên. Các HTX cũng chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trong hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vai trò hạt nhân trong kinh tế tập thể của HTX trên địa bàn tỉnh dần được thể hiện rõ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người dân. Nhất là ở khu vực nông thôn, các HTX đã hỗ trợ địa phương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vật nuôi, cây trồng; giúp người dân trong vùng yên tâm sản xuất. Trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các HTX đã góp phần rất lớn với các địa phương trong việc hoàn thành tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đem lại ổn định trật tự chính trị, xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế – xã hội.
Các thành viên HTX Đồng Tiến, Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình thu hoạch nghêu. Ảnh: M.Đ
Thiếu sức hấp dẫn
Theo quy định, các hộ thành viên dù đóng góp nhiều hay ít vốn thì đều có quyền quyết định như nhau đối với vấn đề của HTX. Vì vậy mô hình HTX chưa thu hút được thành viên đóng góp được nhiều vốn do các thành viên cảm thấy quyền lợi về việc quyết định không phù hợp với số vốn mà mình đã góp. Bên cạnh đó, số lượng thành viên tham gia HTX thường rất đông nên phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý. Khả năng huy động vốn lại không cao so với các hình thái kinh tế khác, nguồn vốn của HTX thường được huy động chủ yếu từ vốn góp từ các thành viên và có tiếp nhận thêm các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước và một số tổ chức kinh tế, xã hội.
Sự phát triển HTX cũng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Trình độ năng lực trong quản lý, điều hành, công tác tài chính, kế toán của bộ máy quản lý HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng sản phẩm cũng thiếu sức cạnh tranh. Rất ít HTX nông nghiệp xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường do có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu… Đa phần các HTX chưa có trụ sở làm việc; trang thiết bị làm việc phục vụ quản lý điều hành HTX còn thiếu và yếu.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, nhiều HTX hoạt động không hiệu quả hoặc hoạt động cầm chừng, chỉ có khoảng 20 – 30% HTX hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX chuyển sang mô hình HTX kiểu mới hoạt động còn lúng túng, mang tính thời vụ, không có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn… Ông Nông Văn Thạch – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Đình, huyện Hồng Dân cho biết: “Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của HTX là không có quỹ đất để xây dựng trụ sở, kho bãi; thiếu vốn đầu tư mua máy công nghệ tiên tiến, hạn chế trong tiêu thụ các nông sản phẩm của HTX làm ra…”
Vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế tập thể, làm nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định của các HTX hiện nay cho thấy, để vai trò này được phát huy, rất cần giải pháp trước mắt và lâu dài từ các bên: Nhà nước, tổ chức tín dụng và cả người nông dân!
Trong chuyến đi khảo sát thực tế HTX ở các huyện, Bí thư Tỉnh ủy – Lữ Văn Hùng cho rằng: Các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất gắn với HTX để tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo đủ lớn để các doanh nghiệp thuận tiện thu mua, bao tiêu. Nhiều HTX hiện có vốn điều lệ quá ít, rất khó để hoạt động và phát triển. Các Sở ngành, Liên Minh HTX cần tạo mọi điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Các địa phương quan tâm quỹ đất công thích hợp để cho HTX thuê đất xây dựng trụ sở và kho bãi. Cần đầu tư mua máy móc, trang thiết cho HTX; khuyến khích nông dân tham gai vào HTX. Ngành nông nghiệp tấp huấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất; giúp các HTX xây dựng thương hiệu OCOP cho các sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản…
Minh Đạt