NDO – Ngày 24/7, tại Tây Ninh, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024); kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/81930-1/8/2024); Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82; Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia (đưa về nước đợt 2, giai đoạn XXIII, mùa khô 2023-2024); Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (giai đoạn 1962-1975).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Nguyễn Thành Tâm di quách hài cốt các liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82 (Tây Ninh).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh dự lễ. Cùng dự, có Thống tướng Kun Kim, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban ứng phó thảm họa quốc gia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Campuchia.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh viếng mộ các liệt sĩ.
Tại Lễ viếng nghĩa trang, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã gióng lên ba hồi chuông chiêu hồn các anh linh liệt sĩ. Các đồng chí lãnh đạo đã thành kính mặc niệm, tưởng nhớ đồng chí cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ hương hồn những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ để đất nước ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
Ngay sau Lễ viếng nghĩa trang, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các đại biểu dự Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia, với sự phối hợp giúp đỡ của các quân khu thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia cùng chính quyền và nhân dân các tỉnh Kampong Chàm, TBong Khmum, Siem Reap, Banteay Meancheay, Oddar Meancheay (Vương quốc Campuchia), trong đợt 2, giai đoạn XXIII, mùa khô 2023-2024, các lực lượng chức năng của Tây Ninh và các tỉnh bạn đã phối hợp tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 172 hài cốt liệt sĩ. Sau khi truy điệu, mặc niệm trước các anh linh liệt sĩ, Ban Tổ chức đã đưa hài cốt liệt sĩ đến nơi an táng trong Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82 (huyện Tân Biên).
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc (từ trái sang) nghiêng mình trước linh cốt các anh hùng liệt sĩ.
Cùng ngày, các đại biểu đã dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (giai đoạn 1962-1975). Tại đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định xếp hạng di tích, trao quyết định, bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia cho đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương. Được biết, vào ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền nam (diễn ra tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ, nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam, do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban.
Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò-Bến Ra-Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để có điều kiện mở rộng căn cứ. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam đã tham mưu kịp thời, sát, đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền nam.
Tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam tọa lạc tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, được xây dựng và khánh thành vào năm 2005, với tên gọi là Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam.
Di tích được cải tạo, nâng cấp vào dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1/8/1930-1/8/2020). Đến ngày 29/12/2023, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (giai đoạn 1962-1975).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa dâng hương tại Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 24/6/1967, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia.
Lịch sử hào hùng của Tây Ninh và Trung ương Cục miền nam đã minh chứng những năm tháng đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ và thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của hai nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định. Chúng ta trân trọng tình đoàn kết, sự chung vai, sát cánh bên nhau giữa hai dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, vì độc lập tự do, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng Campuchia vun đắp mối quan hệ hai nước, hai dân tộc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Trong buổi lễ trang trọng hôm nay, chúng ta bồi hồi tưởng nhớ các liệt sĩ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong cuộc đấu tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước Campuchia. Chúng ta càng trân trọng hơn mối quan hệ gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của hai nước, hai dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền nam (giai đoạn 1962-1975) là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam. Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa; để nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin-truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và nhân dân hiểu, thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.
Nhandan.vn
Nguồn: https://nhandan.vn/di-tich-ban-tuyen-huan-trung-uong-cuc-mien-nam-giai-doan-1962-1975-duoc-xep-hang-di-tich-lich-su-quoc-gia-post820827.html