(VHQN) – Trước đây hay nói “văn bia” hay “bi ký”, nay các nhà nghiên cứu dùng chữ “văn khắc”, chỉ chung các văn bản khắc trên đá, gỗ, kim loại, đất nung. Di sản văn khắc Chăm là nguồn tư liệu quan trọng để biết về lịch sử cổ đại vùng đất Quảng Nam nói riêng và về đất nước Champa một thời nói chung.
Phần lớn văn khắc Chăm còn lại đến ngày nay là trên các tấm bia đá hoặc trụ đá ở các đền tháp, một số ít ở các vách đá tự nhiên, hoặc trên các trang trí kiến trúc và vật dụng bằng kim loại. Văn khắc Chăm đã được tìm thấy nhiều nơi ở miền Trung Việt Nam, trong đó phần lớn nằm ở địa bàn Quảng Nam.
Văn khắc Chăm được các học giả Pháp sưu tập, phiên âm (chuyển ra chữ la-tinh) và dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Năm 1923, G. Coedes xuất bản tại Hà Nội tập “Danh mục thống kê tổng quát văn khắc Chăm và Cambodge”, đánh số thứ tự cùng với ký hiệu C cho văn khắc Chăm, tổng cộng gồm 170 đơn vị, từ C1 đến C 170; trong đó có 72 văn bia tìm thấy ở Quảng Nam, 25 ở Ninh Thuận, 18 ở Bình Định và 17 ở Khánh Hòa. Cho đến nay số lượng văn khắc Chăm được phát hiện lên đến 247.
Văn khắc Chăm sử dụng kiểu chữ Brāhmī – là hệ thống chữ viết được hình thành vào thế kỷ 3 trước Công nguyên ở Ấn Độ, được gọi là Brāhmī lipi, nghĩa là “hệ thống chữ viết của thần Brāhmī”, người Việt dịch là “chữ Phạn” (cũng với ý nghĩa là chữ của Phạn Thiên/Phạm Thiên/Brāhmī).
Hệ thống chữ viết này được dùng để ghi tiếng Sanskrit ở Ấn Độ, sau đó được sử dụng để ghi các thứ tiếng ở Đông Nam Á, trong có tiếng Chăm cổ. Từ thế kỷ 8 về sau, hệ thống chữ Brāhmī được các địa phương cải biến dần trở thành chữ viết của các thứ tiếng khác nhau.
Việc khắc bia thường gắn liền với xây dựng đền tháp, nội dung chủ yếu là những lời ngợi ca thần linh và các vị vua, ghi các vật phẩm dâng cúng và cuối cùng thường là lời ban tặng công đức cho những ai giữ gìn, hoặc lời răn đe những ai phá hủy các đền tháp, lễ vật.
Văn khắc Chăm cung cấp cho chúng ta những thông tin về niên đại, về vương triều và địa danh của đất nước Champa xưa, đồng thời phản ánh phần nào đời sống xã hội, tín ngưỡng đương thời mà về độ tin cậy, không tài liệu nào có thể vượt qua được.
Rải rác ở các văn khắc có nhắc đến những cuộc xung đột giữa các vùng của Champa với nhau hoặc với các nước lân cận. Đó là những thông tin quý báu để tái hiện bức tranh lịch sử, văn hóa không chỉ của vùng Quảng Nam mà liên quan cả khu vực bán đảo Đông Dương trong thiên niên kỷ đầu sau công nguyên.
Ngoài một số văn khắc Chăm tìm thấy ở Quảng Nam đã được các nhà khảo cổ người Pháp đưa về Hà Nội, nay đang bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn khá nhiều văn khắc Chăm đang nằm lại ở địa bàn Quảng Nam.
Riêng ở di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), hiện thống kê được 36 văn khắc, trong đó có các bản văn khắc còn khá nguyên vẹn và cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử và văn hóa Champa.
Văn khắc ký hiệu C 89 (hiện bảo quản tại phòng trưng bày của Khu di tích Mỹ Sơn) lập năm 1088/1089, sử dụng tiếng Chăm cổ, ghi công đức của vua Jaya Indravarmadeva trong việc tái thiết xứ sở Champa sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Văn khắc ký hiệu C 100 (lập năm 1157/1158), đang còn ở vị trí nguyên trạng tại khu tháp G, sử dụng chữ Sanskrit và Chăm cổ, ghi công đức của vua Jaya Harivarmadeva, người đã chiến thắng các nước láng giềng và dâng cúng thần Siva một ngôi tháp cùng với các cánh đồng trong khu vực.
Ngoài số lượng lớn văn khắc còn lại ở di tích Mỹ Sơn, hiện còn có một số văn khắc nằm rải rác ở các di tích khác, như văn khắc C 66 ở khu di tích Đồng Dương (Thăng Bình), văn khắc C 140 ở di tích Hương Quế (Quế Sơn) và một số văn khắc mới được phát hiện gần đây.
Đặc biệt, dọc theo bờ nam của sông Thu Bồn có một số văn khắc trên vách đá tự nhiên, cung cấp thông tin về các mốc địa giới mà các vị vua Champa đã “hiến tặng” thần Siva để có được sự bảo hộ của thần linh cho xứ sở và vương quyền.
Mặc dù phần lớn văn khắc Chăm ở Quảng Nam đã được các học giả người Pháp đầu thế kỷ 20 tổ chức phiên âm và dịch thuật, tuy nhiên, do nội dung văn khắc Chăm gắn với việc phụng sự thần linh, phong cách ngôn ngữ cô đọng, nhiều điển tích, ẩn dụ, thậm xưng; nhiều nét chữ đã bị mòn vỡ; cho nên việc phiên dịch văn khắc Chăm cần được tiếp tục khảo đính.
Trước hết, cần có sự kiểm kê, bảo quản tốt nguồn di sản tư liệu quý giá này và tổ chức giới thiệu nội dung, phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như nhu cầu tìm hiểu lịch sử của đại chúng. Lập hồ sơ để xếp hạng cho bộ sưu tập văn khắc Chăm ở Quảng Nam cũng là một việc đáng làm nhằm tăng cường sự quan tâm của cộng đồng đối với loại hình di sản tư liệu đặc biệt này.