Chiều 11/4, tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ VHTT&DL đưa Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Đom Lơng Néak Tà còn gọi là lễ hội Ông Tà. Néak Tà đối với người Khmer ở Trà Vinh được coi là vị thần bảo hộ phum, sóc, gia đình. Đây là lễ hội truyền thống gắn với văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, thể hiện bản sắc của cộng đồng, được kế tục qua nhiều thế hệ.
Lễ hội được cộng đồng cư dân Khmer tổ chức định kỳ hàng năm tại các miếu Néak Tà. Theo thống kê của ngành văn hoá tỉnh Trà Vinh, hiện trên địa bàn tỉnh có 242 miếu Néak Tà.
Mỗi các phum, sóc người Khmer chọn cho mình một ngày lễ hội riêng, nhưng hầu hết đều tổ chức vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Đây là thời điểm mà tiết trời đang chuyển dần từ mùa khô sang mùa mưa, nhà nông chuyển từ mùa nông nhàn sang mùa gieo cấy.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Kỳ yên - Hạ điền ở các ngôi đình của người Kinh. Lễ hội trước đây thường kéo dài trong nhiều ngày, nhưng hiện nay đa phần được tổ chức trong 2 ngày.
Như vậy, hiện nay Trà Vinh có 7 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; trong đó có 4 di sản là nghệ thuật và lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật Rô băm, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà.
Ba Di sản phi vật thể Quốc gia còn lại là Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào dân tộc Hoa tại huyện Cầu Kè; Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang) và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Khánh Ngọc
Nguồn
Bình luận (0)