(QBĐT) – Quảng Bình là vùng đất có nhiều di sản văn hóa (DSVH) độc đáo. Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của DSVH, các di tích lịch sử, góp phần phục vụ hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Quảng Bình hiện có 1 di sản thiên nhiên thế giới là Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) và 2 DSVH phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, gồm: Ca trù của người Việt và nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam…
Từ khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (năm 2003), VQG PN-KB ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều chương trình nghiên cứu, dự án đầu tư của các tổ chức trong nước, quốc tế đã được triển khai nhằm tăng cường sự hợp tác trong công tác quản lý và tạo điều kiện cho các đoàn đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu…
Bên cạnh công tác bảo tồn, những năm qua, Ban Quản lý VQG PN-KB đã quan tâm đến việc phát huy giá trị của di sản. Việc đầu tư phát triển du lịch triển khai đúng trình tự. Tất cả các điểm, tuyến du lịch đều được lập dự án, đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, Ban Quản lý Vườn đã quan tâm làm tốt công tác quản lý, bảo tồn các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh; tăng cường hợp tác, liên kết, hỗ trợ giữa những đơn vị kinh doanh du lịch; tuyên truyền, vận động kêu gọi cộng đồng tham gia phát triển, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
|
Công tác ban hành chính sách, tạo điều kiện, môi trường cho nghệ nhân, CLB và cộng đồng thực hành các DSVH phi vật thể đã được UNESCO ghi danh tại địa phương luôn được chú trọng. Hiện tại, toàn tỉnh có 1 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 8 “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực DSVH phi vật thể. Năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 500 triệu đồng để hỗ trợ hoạt động bảo tồn các DSVH trên địa bàn, trong đó có DSVH phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Năm 2023, tỉnh đang xây dựng và sẽ ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân, CLB đang thực hành DSVH phi vật thể ở trên địa bàn.
Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của 137 di tích đã được xếp hạng. Hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích được thực hiện theo quy định của Luật DSVH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh được quan tâm đầu tư gắn với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Giai đoạn 2013-2023, có 9 điểm di tích quốc gia đặc biệt được đầu tư với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa. Công tác quy hoạch di tích cũng được tỉnh quan tâm và hiện đang từng bước ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia quan trọng có lợi thế trong phát triển kinh tế du lịch.
Quảng Bình có 1 bảo vật quốc gia là “Ấn quan Tuần phủ Đô tướng quân” được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Ấn được chế tác bằng chất liệu đồng, niên đại năm Hồng Thuận thứ 6, đời vua Lê Tương Dực (1515). Đây là hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương và quốc gia, song chưa được trưng bày tại bảo tàng.
Lý giải về vấn đề này, bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cho biết: Do chưa bảo đảm độ an toàn cho bảo vật khi thực hiện trưng bày nên hiện vật đang được lưu giữ ở tủ sắt của đơn vị. Việc gìn giữ bảo vật quốc gia tuân thủ theo đúng các quy định về kiểm kê, bảo quản, có biện pháp phòng, chống cháy nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác. Bảo vật sẽ được trưng bày phục vụ du khách khi đã được đầu tư đầy đủ các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phát huy giá trị DSVH vật thể, phi vật thể đại diện của nhân loại, các di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia. Một trong những khó khăn là thiếu nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Do đó, việc đầu tư, tôn tạo thiếu đồng bộ, một số di tích có tiềm năng nhưng đưa được đầu tư xứng tầm để đưa vào khai thác, phát triển du lịch…
Theo GS.TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia: Quảng Bình là địa phương có sự giao lưu và hội tụ văn hóa đa dạng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Vì vậy, nơi đây chứa đựng nhiều DSVH đặc sắc. Một số di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Chính sự phong phú về DSVH vật thể và phi vật thể là điều kiện quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của DSVH, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có. Nhiều di sản chưa được khai thác thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, trên hành trình phát triển, tỉnh cần ưu tiên nguồn lực, đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương vùng biển nhằm tạo ra những không gian văn hóa đặc trưng tại các địa phương.
Nh.V