Baoquocte.vn. Quận Bắc Từ Liêm có tiềm năng, lợi thế và sức bật lớn để trở thành một cực phát triển kinh tế xanh gắn với du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: KTĐT) |
Chiều 27/8, UBND quận Bắc Từ Liêm và Ban sưu tầm biên soạn Địa chí Bắc Từ Liêm đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, Làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”.
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 79 năm Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2024) và hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng của Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” là định hướng của các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Theo xu thế phát triển chung nhưng bền vững, bối cảnh đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trong lòng đô thị vô cùng quan trọng.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, trên địa bàn quận hiện có 135 di tích, trong đó 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp thành phố). Bên cạnh đó, quận có 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 29 lễ hội truyền thống, 26 di tích cách mạng kháng chiến và nhiều làng nghề truyền thống, đặc biệt là Làng khoa bảng – làng cổ Đông Ngạc.
Các di tích nổi tiếng như: Đình Nhật Tảo, Đình Thượng Cát, Đình Hoàng, Chùa Chèm, Chùa Vẽ, các đền thờ danh nhân như đền thờ Đỗ Thế Giai, đền thờ họ Phạm, các lễ hội nổi tiếng như hội bơi Đăm tại làng hoa Tây Tựu… đều nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Quận còn giữ được nhiều làng nghề thủ công truyền thống như nghề làm giò chả xã Thượng Cát, làng nghề sản xuất mứt Tết Xuân Đỉnh cùng các phong tục tập quán, tri thức dân gian phong phú. Đây là tài nguyên và nguồn lực văn hóa vô cùng quý báu, có thể trở thành động lực, tạo đột phá cho phát triển kinh tế du lịch.
Có thể nói, quận Bắc Từ Liêm có tiềm năng, lợi thế và sức bật lớn để trở thành một cực phát triển kinh tế xanh gắn với du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo. Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của Bắc Từ Liêm trong thời gian tới.
Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển du lịch trên địa bàn quận còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về cơ chế tổ chức triển khai, phát triển sản phẩm và thị trường khách, sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động du lịch cũng như các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác các di sản văn hóa cho phát triển du lịch.
Đưa ra giải pháp để thúc đẩy du lịch văn hóa trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá Du lịch, Trường Đại học Thủ đô đề nghị, cần xác định những giá trị cốt lõi để hình thành không gian lịch sử văn hóa của quận, đồng thời, khai thác tốt tuyến sông Hồng chảy qua địa phận của quận, kết nối với các địa phương bên cạnh để hình thành tour du lịch đường sông đặc sắc.
“Trong khu vực, quận Bắc Từ Liêm cần coi trọng không gian văn hóa của cư dân vùng ven sông Hồng, nơi có nhiều nền tảng giá trị cốt lõi từ thời kỳ văn minh Văn Lang – Âu Lạc, mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng dân cư ven kinh đô Thăng Long xưa. Vì vậy, nên chọn khu vực Đông Ngạc (làng khoa bảng của Thăng Long xưa) cùng với đình Chèm (di tích quốc gia đặc biệt) để xây dựng một không gian văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng về văn hóa của Bắc Từ Liêm.
Trong không gian văn hóa lịch sử đó có đủ vốn văn hóa để các nhà thiết kế, cộng đồng sáng tạo ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học, kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm văn hóa du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách. Đây thực sự là không gian tốt để thực hiện các lĩnh vực công nghiệp văn hóa”, TS. Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Các nhà khoa học góp ý, quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục coi trọng nguồn lực văn hóa bắt đầu từ cộng đồng dân cư trên vùng đất có di sản văn hóa. Đồng thời, xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm phù hợp với các đối tượng, trong đó chú ý đến đối tượng trẻ bằng việc khai thác vùng ven sông và mặt nước sông Hồng trở thành không gian sáng tạo.
Trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị làng Khoa Bảng Đông Ngạc, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho rằng, với bề dày lịch sử lâu đời, phường Đông Ngạc lưu giữ được hệ thống các công trình kiến trúc văn hóa cổ có niên đại từ 100 đến 300 năm cùng nhiều di vật, cổ vật quý như tượng, sắc phong, hoành phi, thần phả, câu đối, chuông đồng, sách cổ…
Đình cổ Đông Ngạc hiện được lưu giữ khá nguyên vẹn cảnh quan kiến trúc và các di vật quý giá. Chùa cổ Tư Khánh lưu giữ được quả chuông 750kg có niên đại thời vua Gia Long (1817) và hai quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn. Hiện nay, chùa còn lưu giữ 50 pho tượng tròn được bài trí trong các kiến trúc chính. Làng cổ Đông Ngạc nổi tiếng về truyền thống hiếu học, làng có 22 tiến sĩ được ghi danh trong bia đá tại đình làng.
Đông Ngạc nằm trong quy hoạch chung, là vùng nội đô mở rộng. Vì vậy, việc xác định các điểm di sản có giá trị bảo tồn và tôn tạo để xây dựng thành điểm du lịch vừa góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống, vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội.
Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. (Nguồn: KTĐT) |
Bối cảnh đô thị hóa và phát triển đô thị, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo đang đặt ra yêu cầu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Điều này vừa giúp cộng đồng duy trì và phát huy nguồn lực văn hóa, khai thác nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến giá trị di sản.
PGS.TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, di sản văn hóa trên địa bàn quận, đặc biệt là các di tích và lễ hội gắn liền với thời đại Hùng Vương và thời đại Hai Bà Trưng không chỉ là phần quan trọng của di sản quốc gia, mà còn là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế du lịch. Bắc Từ Liêm đang trong giai đoạn đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh. Điều này đặt ra thách thức đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo tồn toàn diện, cùng việc huy động nguồn lực, nâng cao nhận thức cộng đồng hết sức cần thiết.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công cũng như những kiến nghị, đề xuất, xu hướng khai thác nhằm phát huy và kết nối chuỗi giá trị trong phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo.
Nguồn: https://baoquocte.vn/di-san-van-hoa-bac-tu-liem-loi-the-phat-trien-kinh-te-xanh-gan-voi-xay-dung-thanh-pho-sang-tao-284107.html