Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị lão thành cách mạng và người dân đều cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng “có vị trí đặc biệt quan trọng”, là “dấu ấn đặc biệt” trong di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giữ Đảng trong sạch để phát triển đất nước
Kể từ lúc bước vào hàng ngũ của Đảng khi mới là một thanh niên 23 tuổi, tới khi trút hơi thở cuối cùng vào 13 giờ 38 ngày 19.7, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhưng xây dựng, chỉnh đốn Đảng với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Ông coi việc giữ Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là “điều trước hết”, cũng là “then chốt” để phát triển đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – “nơi sự phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”.
“Để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực”, ông viết trong cuốn Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan kể từ khi đất nước thực hiện đổi mới vào Đại hội VI khi số cán bộ có chức, có quyền tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, pháp luật ngày càng nhiều, từ “một số” (Đại hội VII) rồi “một bộ phận” (Đại hội VIII) tới “một bộ phận không nhỏ” (Đại hội IX).
“Trước tình hình đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thế nào là vấn đề rất lớn”, ông Túc nêu và cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn ai hết, nhận thức rất rõ điều này.
Năm 2012, một năm sau khi đắc cử Tổng Bí thư khóa XI (2011), một trong những nghị quyết đầu tiên của T.Ư Đảng khóa XI được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là Nghị quyết số 12 Hội nghị T.Ư 4 khóa XI: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
T.Ư Đảng thẳng thắn chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…
T.Ư Đảng cũng nhận định, thực trạng trên “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Từ đó, T.Ư Đảng đặt ra nhiệm vụ ưu tiên số một là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.