Chủ nhật, 08/09/2024 09:02 (GMT+7)
–Xuất thân từ dòng cửa tướng
Theo bài ký trên văn bia “Ngô tướng công đường ký”, Tào quận công họ Ngô, tên tự Phúc Vạn, người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà (nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) đất Châu Hoan (tức Nghệ An – Hà Tĩnh). Bài khảo cứu “Ngô Phúc Vạn (1577 – 1652) của nhà văn Trần Đắc Túc viết về Tào quận công đất Trảo Nha: “Ngô Phúc Vạn còn có tên khác là Phúc Mại, tự là Tử Hán, hiệu là Huân Dương chân nhân, sinh ngày 20 tháng 5 Đinh Sửu (1577), mất ngày 15 tháng 8 Nhâm Thìn (1652), hưởng thọ 75 tuổi” (Danh nhân Hà Tĩnh Tr. 207).
Tào quận công sinh ra trong một gia tộc dòng dõi cửa tướng ở đất Hoan Châu, 6 đời liên tiếp làm võ tướng cầm quân. Dòng họ Ngô ở Trảo Nha được tôn vinh dòng họ có nhiều quận công nhất, 18 vị quận công, tính từ đời thứ 5 đến đời 12. Ông Ngô Phúc Vạn, con trai trưởng của Nam quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Thái bảo Ngô Phúc Tĩnh, tước Tứ quận công. Phúc Vạn là cháu đích tôn của Tây quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Thiếu bảo, gia phong Thái bảo, Thế quận công Ngô Cảnh Hữu. Theo ghi chép trong sử ký tục biên Thế quận công Ngô Cảnh Hữu, từng xông pha chiến trường bình công được xếp thứ 5, công thần khai quốc thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh Tùng xét công ban thưởng phong Ngô Cảnh Hữu chức Thiếu bảo.
Theo sử sách, Ngô Phúc Vạn khôi ngô tuấn tú, dáng thanh nhã dong dỏng cao, mắt sáng, giọng nói lưu loát, cốt cách nhã nhặn có ảnh hưởng tam giáo. Lịch sử họ Ngô chép ông tài kiêm văn võ: “Ông (Ngô Phúc Vạn) xuất thân cửa tướng, văn võ toàn tài, không chỉ có sức khỏe, võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp mà thánh kinh huyền truyện, thiên văn địa lý, toán học không có gì là không hiểu sâu sắc. Là danh tướng, một trọng thần của nhà Lê, phía Bắc đánh Mạc, phía Nam chống Nguyễn, giữ vững biên cương. Nhân dân được yên ổn làm ăn một thời gian dài. Không chỉ lúc thiếu thời, tính khí cương thường không chịu khuất phục quyền thần, nên 20 năm đầu công lao không được ghi vào sử sách” (Sđd Tr. 207).
Công thần thời Lê Trung Hưng
Theo ghi chép của văn bia “Ngô tướng công đường ký”, vào năm Canh Tý (1600) ông 24 tuổi, gắng sức giúp triều đình, được giữ chức Thiêm nghị, phong Thượng tướng quân Điện tiền Tả Hiệu điểm, tước Tường Khê hầu. Năm Mậu Ngọ (1618) kết duyên với Quận thượng chúa (Trưởng công chúa) Trịnh Thị Ngọc Uyên, được chúa Trịnh ban thực ấp. Năm Giáp Tý (1624) thăng chức Cẩm y vệ Thự vệ sự, tước Tào quận công. Năm Bính Dần (1626) đem quân đi đánh Cao Bằng, bắt được nguỵ vương Càn Thống (vua Mạc Kính Cung), được thăng chức Trung quân Đô đốc phủ Đô đốc Thiêm sự. Năm Kỷ Tỵ (1629), thăng chức Đô đốc Đồng tri. Năm Tân Mùi gia thăng Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, làm quan Chánh đường, được tham dự triều chính. Năm Quý Dậu (1633) đem quân đi đánh Đàng trong, Tào quận công tướng quân chỉ huy hậu quân chở lương thảo đi tiếp hợp, uy danh lừng lẫy. Năm Giáp Tuất (1634) vinh thăng chức quan Thiếu bảo.
Năm Canh Thìn (1640) lập mưu bắt phản nghịch Hiển Quận, được thăng chức quan Thiếu phó, vâng mệnh vào trấn thủ toàn cõi Hoan Châu. Trong thời gian ông trấn thủ Nghệ An kiêm thống lĩnh Bố Chính, trong ngoài cõi được bình yên, triều đình có chỗ dựa vững chắc, quân Nguyễn không dám xâm phạm biên ải. Năm Ất Dậu (1645) ông được thăng chức quan Thiếu úy. Năm Bính Tuất (1646) có chỉ dụ, vâng mệnh mở Trung Nhuệ quân doanh. Khi ra ngoài biên ải cầm cờ chỉ huy, giữ yên lãnh thổ, ngăn cản giặc xâm phạm đèo Ngang: “Khi ra ngoài biên cầm cờ mao tiết việt, giữ yên cương thổ, làm bức Vạn Lý Trường Thành. Khi vào triều ung dung nơi lang miếu, bàn định chính trị, làm bậc đại thần phụ chính nổi gương đương thời, đặt nhân tâm lên chốn vững chắc như Thái Sơn, đặt thế nước vào chỗ yên vững như Bàn Thạch. Công huân lưu truyền sử sách, phúc lộc nhiều chung đỉnh. Tông tộc tăng rạng rỡ, phúc đức con cháu mãi truyền” (Văn bia Hà Tĩnh Tr. 121).
Năm dựng bia, Ngô Phúc Vạn đã 74 tuổi, tóc đã rủ màu vàng mà dáng còn như tuổi thanh xuân, sức khỏe dồi dào còn sống thọ. Những khi nhàn rỗi, thường thích việc thơ ca, vui thú đàn sáo và chăm sóc cây hoa vườn cảnh. Những ngày tháng tuổi già trí sĩ thích du ngoạn cảnh đẹp, thăm viếng đạo quán, chùa miếu, tìm hiểu đạo Thánh tích Tiên, tạo dựng Phúc Am Bảo Các, thờ Tam tài thủ quân và đem 30 mẫu ruộng tốt cho xã Thái Hà phụng thờ hương khói. Là người hiếu đễ, công đức hàng chục mẫu ruộng tốt cho nhân dân các xã Hoa Lung, làng Thổ Sơn, Cựu Nhất cày cấy và lo việc tế tự thần tiên. Ngoài ra còn đem ruộng đất thờ cúng mình giao cho dân làng dùng việc làng thờ cúng Thành hoàng: “Tấm lòng như thế mới biết Lệnh công lấy trung thành báo quốc, lấy trung hậu truyền gia. Vậy nên phúc lộc đáng bậc thượng hưởng nơi tông miếu, truyền lại cho con cháu, xa đến nhiều đời miêu duệ” (Văn bia Hà Tĩnh Tr. 123).
Dựng bia Ngô tướng công đường ký
Dựng bia đá ghi công trạng để lưu truyền cho hậu thế muôn đời noi gương. Bia dựng ở đền thờ tướng quân Tào quận công Ngô Phúc Vạn, ở thôn Thổ Sơn, xã Trảo Nha; nay thuộc thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bia 1 mặt, khổ 150x100cm. Trán bia chạm rồng chầu mặt nguyệt. Diềm khắc hoa lá, cánh sen. Toàn văn chữ Hán, chữ khắc chân phương, trang trọng.
Bia “Ngô tướng công đường ký” dựng năm Khánh Đức thứ 3 (1651), thời Lê Trung hưng. Nội dung văn bia công trạng cơ bản của Thượng tướng quân Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Thiếu uý Tào quận công Ngô Đức Vạn.
Văn bia do Nguyễn Thuần Phu, đậu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ khoa Đinh Mùi (1637), làm quan chức Bồi tụng, Hữu thị lang bộ Lễ, người xã Phù Lưu, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, soạn thảo. Vũ Quang Đại, Nội doanh thư ký, Viên ngoại lang bộ Công, người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, sửa soạn hoàn chỉnh bản thảo. Nguyễn Thọ Diên, Nội doanh Câu kê, Cẩm y vệ Phó đoán sự, người xã Bạch Trì, huyện Thạch Hà viết chữ. Phan Nhân Hòa, Triện tượng cục Hoằng tín đại phu, người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn, giám sát việc khắc chữ.
Hậu thế vinh danh truyền thống họ Ngô Trảo Nha
Ngày 15.8 Nhâm Thìn (1652), niên hiệu Thịnh Đức 1, Tào quận công Ngô Phúc Vạn qua đời. Đền thờ Tào quận công Ngô Phúc Vạn được xây dựng vào năm 1655, đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền thờ và bia đá, lăng mộ vẫn giữ được nét cổ kính và giá trị cơ bản. Ngày 23.6.1992 đền thờ và mộ Tào quận công Ngô Phúc Vạn được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2012, di tích này được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư, tôn tạo quy mô để bảo tồn di sản quý giá.
Trước đó, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập dòng họ Ngô ở làng Trảo Nha – dòng Ngô Nước thủy tổ với 3 nội dung: Dòng họ nhiều quận công nhất với 18 vị; Dòng họ có nhiều đời liên tiếp được phong tước quận công với 8 đời (đời 5 đến đời 12); có 3 anh em ruột được phong tước quận công cùng một ngày. Năm 2016, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Kỷ lục Việt Nam “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục dòng họ Ngô Trảo Nha – dòng họ 18 vị quận công”.
Đất lành sinh người hào kiệt, Tào quận công Ngô Phúc Vạn và các vị tổ tiên họ Ngô ở làng Trảo Nha xưa và nay sinh ra nhiều thế hệ tài đức được ghi vào sử sách như: Ngô Cảnh Hữu, Ngô Phúc Tĩnh. Thời cận hiện đại có Tiến sĩ Ngô Đức Kế, lãnh tụ phong trào yêu nước Duy Tân, Ngô Đức Diễn lãnh đạo tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng đầu thế kỷ 20. Nhà thơ Ngô Xuân Diệu, nổi tiếng con chim đầu đàn của thơ ca hiện đại, thi nhân vinh dự lớn được Nhà nước Việt Nam trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/di-san-den-tho-va-van-bia-tao-quan-cong-ngo-phuc-van-1390121.ldo