Công cụ giao tiếp “độc lạ”
Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 40km, làng Đa Chất (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) hiện vẫn lưu giữ một hệ thống ngôn ngữ đặc biệt mà chỉ người dân trong làng hiểu với nhau. Đó là một loại tiếng lóng, mà người dân trong làng gọi là “Tõi Xưỡn”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, tiếng lóng ở làng Đa Chất gắn liền với đời sống sinh hoạt của người thợ làm nghề đóng cối xay. Thời trước, người nông dân phải dùng cối xay bóc tách vỏ lúa để làm ra gạo, nên chiếc cối xay lúa bằng tre là đồ dùng không thể thiếu. Đó cũng là thời kỳ mà người thợ đóng cối Đa Chất đi khắp nơi làm nghề. Mỗi gánh thợ cối Đa Chất có hai người, thường rong ruổi ở các làng quê hàng tháng trời. Đi nhiều nơi, gặp nhiều người, ăn uống sinh hoạt phải nhờ chủ nhà nên họ phải có “mật ngữ” để bảo vệ nhau cũng như để hạn chế những phiền hà, bất tiện trong những việc cần trao đổi riêng.
Là người có nhiều năm theo cha đi khắp nơi đóng cối, ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn Đa Chất kể rằng, hành trang của hai người thợ cối luôn là hai chiếc bồ, bên trong là quần áo, đồ dùng sinh hoạt và vài thứ dao, búa, tràng, đục. Chiếc cưa do người thợ cả đeo trên vai, vừa đi đường người thợ vừa rao “ai đóng cối không…”. Khi có người gọi thuê đóng cối, cùng với đàm phán tiền công người thợ còn phải thống nhất về chuyện ăn nghỉ. Với hai người, thời gian làm một cái cối có thể xong trong nửa ngày, nhưng người thợ cối phải nhẩn nha làm cả ngày để còn ngủ qua đêm tại nhà chủ, sáng mai lên đường tìm nhà khác. Ăn nhờ, ở đậu như vậy, những người thợ cối luôn phải nhún nhường và khi trao đổi cũng phải tế nhị, kín đáo.
Chính ở môi trường như vậy, tiếng lóng ra đời và được của người thợ cối Đa Chất truyền dạy cho nhau, qua quá trình lâu dài trở thành thứ ngôn ngữ “độc lạ”. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa, dù không phải là một thứ tiếng cổ bởi nó không có một quy luật ngữ âm nào, nhưng hệ thống từ vựng của tiếng lóng Đa Chất có thể đủ để giao tiếp hằng ngày.
Người thợ cối có thể nói nhuần nhuyễn ngôn ngữ này dựa theo phương pháp truyền khẩu và áp dụng vào những tình huống cụ thể. Người thợ Đa Chất nói “bệt” nghĩa là nhà, “thít” là ăn uống, “dùm” là tiền, “mận” là nước, “choáng” là đẹp, “êm” là ngon, “thuôn” là tốt, “sởn” là đi, “sưỡn” là máy móc… Chẳng hạn, nhà chủ đãi họ bữa ăn ngon, người thợ cối sẽ đánh giá: “Cái bệt này cốn lắm, cho thít êm quá” (cái nhà này giàu lắm, nó cho ăn ngon quá). Khi có khách tới nhà, người Đa Chất nói “Xảo sởn chác cho xì nhất đạng” (con đi mua cho bố một con gà, về thịt). Khi đi tàu xe, người thợ thấy có trộm cắp thì nhắc nhau “xảo tớp hách”, nghĩa là “có trộm đấy”…
Những năm 2000, ngành văn hoá Hà Tây (cũ) đã nghiên cứu, sưu tầm tiếng lóng Đa Chất, tập hợp được hơn 200 từ thông dụng nhất, in trong cuốn sách “Văn hoá dân gian làng Đa Chất”. Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa đến Đa Chất thực hiện dự án nghiên cứu, bảo vệ tiếng lóng, đã sưu tầm và bổ sung thêm được 114 từ và cụm từ lóng cùng với 35 bối cảnh sử dụng tiếng lóng.
Theo ông Tuyên, từ sau năm 2000, khi máy móc thay thế những chiếc cối xay tre thì người thợ cối cũng không còn “đất diễn” nữa. Nghề đóng cối mất đi đồng nghĩa với việc tiếng lóng không còn môi trường để tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, tiếng lóng vẫn được người có tuổi ở Đa Chất sử dụng mỗi khi ngồi uống trà, ôn lại chuyện xưa cũ, hoặc số ít gia đình sử dụng khi có khách. Đặc biệt, khi đi khỏi làng, những người Đa Chất có tuổi vẫn dùng tiếng lóng để trao đổi với nhau trong những tình huống cần thiết.
Hiển hiện nguy cơ mai một
Mặc dù vậy, ông Tuyên cũng như nhiều người dân Đa Chất đều cho rằng, tiếng lóng Đa Chất hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Những người thợ cối có thể nói được tiếng lóng nhiều nhất nay đều qua đời hoặc đã già yếu, những người thế hệ sau, từng làm thợ cối cũng chỉ có thể nói được 50 – 60% so với “các cụ”. Số này không nhiều, đâu đó chỉ còn trên dưới 10 người. Lớp trẻ thì không được truyền dạy, thực hành thường xuyên nên chỉ sử dụng được rất ít từ.
Năm 2016, ngành văn hoá Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm kê các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn. Kết quả cho thấy, tiếng lóng Đa Chất đã bị thu hẹp không gian thực hành, số người có thể thực hành di sản ngày càng ít nên Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội đã đưa tiếng lóng Đa Chất vào danh sách 11 di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp. Cơ quan này cũng lên kế hoạch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, di sản tiếng lóng Đa Chất dường như bị lãng quên. Những người dân Đa Chất cho biết, ngoại trừ vài đợt có chuyên gia, nhà nghiên cứu về làng khảo sát, nắm bắt thông tin hay thi thoảng báo chí về lấy tư liệu viết bài thì việc bảo tồn tiếng lóng không có gì mới. Đến giờ, những gì họ có trong tay chỉ duy nhất quyển sách “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” đã in từ năm 2007. Ông Nguyễn Văn Phường – nguyên Chủ tịch xã Đại Xuyên thì còn nhớ mang máng cách nay chừng 10 năm, có đoàn của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa về xã nghiên cứu về tiếng lóng.
“Kết thúc dự án, tại một hội nghị được tổ chức ở xã, họ công bố đã viết một cuốn sách và làm một bộ phim video 20 phút về tiếng lóng làng Đa Chất. Nhưng tất cả chỉ có chừng đó thôi. Chúng tôi chưa từng được xem video cũng như không rõ sách viết gì. Rồi cả chục năm nay không thấy ai nói gì thêm nữa”, ông Phường cho biết.
Theo ông Tuyên, ông Phường, cơ bản từ xưa đến nay, về mặt chính quyền chưa có cách thức bảo tồn nào, chủ yếu Nhân dân tự bảo tồn qua truyền miệng giữa các thế hệ. Gần đây, sau khi nhận biết tiếng lóng là di sản quý của địa phương, người dân trong làng đã truyền dạy rộng rãi cho mọi người, kể cả đối tượng mà tục lệ xưa cấm kỵ như con gái hay người ngoài làng về làm dâu. Nhờ đó mà số người biết về tiếng lóng nhiều hơn, nhưng do là hoạt động tự phát, không có bài bản, lại không được thực hành thường xuyên nên số người được dạy chỉ nói được bập bõm một số từ mà thôi.
Trong dịp về Đa Chất nghiên cứu tiếng lóng, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa có đưa ra gợi ý, thôn có thể thành lập câu lạc bộ tiếng lóng và tổ chức sinh hoạt, giao lưu thường xuyên. Về phía chính quyền nên có kế hoạch tổ chức một không gian nhỏ trưng bày, trình diễn về nghề đóng cối và tiếng lóng ở làng Đa Chất để các chủ thể văn hóa bảo tồn, giữ gìn di sản. Vậy nhưng, theo ông Tuyên, cho đến bây giờ những hoạt động này vẫn chưa thể thực hiện được vì có nhiều vướng mắc.
“Người làng Đa Chất vẫn đau đáu nỗi lo di sản sẽ dần mai một. Mong muốn của chúng tôi là một ngày nào đó, tiếng lóng được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Có như vậy, những khó khăn, vướng mắc mới được tháo gỡ, để chúng tôi thuận lợi hơn trong việc bảo tồn di sản quý giá của cha ông”, ông Tuyên chia sẻ.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/tieng-long-lang-da-chat-di-san-bi-bo-quen-post307771.html