Trong ớt có chứa hợp chất capsaicin có tác dụng tăng cường trao đổi chất, giúp giảm cân và kích thích miễn dịch. Tuy nhiên, ăn ớt quá nhiều sẽ dễ gây khó chịu cho đường ruột và đi phân nóng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nếu tình trạng đi phân nóng kéo dài ngay cả khi không còn ăn cay thì có thể bạn đang mắc những vấn đề sau:
Táo bón gây kích ứng
Táo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần. Trong một số trường hợp, phân quá khô do táo bón sẽ gây kích ứng và nóng rát ở hậu môn khi đại tiện, thậm chí là gây rách hậu môn.
Có nhiều cách để trị táo bón, từ uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ đến uống thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng. Nếu đã áp dụng hết những cách này mà không khỏi thì cần đến bác sĩ kiểm tra.
Tiêu chảy gây bỏng rát
Tiêu chảy thông thường sẽ không gây nóng rát hậu môn. Cảm giác nóng rát hậu môn khi tiêu chảy có thể là do cúm dạ dày.
Cúm dạ dày là loại bệnh nhiễm trùng đường ruột gây nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Khi thức ăn đi vào dạ dày, bệnh sẽ khiến dạ dày và ruột không có đủ thời gian để hấp thụ thức ăn. Do đó, axit dạ dày, enzyme tiêu hóa và dịch mật sẽ đi nhanh qua ruột và gây cảm giác kích ứng hậu môn, làm tiêu chảy gây cảm giác nóng rát.
Bệnh trĩ
Cảm giác nóng rát khi đại tiện là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh trĩ, gây sưng phù tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Các tĩnh mạch sưng phù này sẽ yếu và bị chảy máu do bị quá căng và bị đè nén từ các lực bên ngoài.
Khi đại tiện, phân đi qua hậu môn sẽ kích thích búi trĩ, gây các triệu chứng như ngứa, khó chịu, sưng và đau rát. Các nguyên nhân gây trĩ thường là do táo bón kéo dài, lão hóa, nâng vật nặng và yếu tố di truyền.
Viêm trực tràng
Khi không phải do táo bón hay vết rách hậu môn thì cảm giác nóng rát khi đại tiện có khả năng là viêm trực tràng. Căn bệnh này khiến lớp mô bên trong trực tràng bị viêm, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, chảy máu, tiết nhiều dịch nhầy và bỏng rát, đau đớn khi đại tiện. Nếu thấy các dấu hiệu này, người bệnh cần đến bác sĩ kiểm tra, theo Healthline.