Nếu quyết định đi nước ngoài làm việc với tâm thế chỉ để kiếm tiền, người lao động sẽ dễ dàng lựa chọn con đường đi “chui”, không cần giấy tờ, tự do lựa chọn công việc… mà không nghĩ đến những nguy hiểm phải đối mặt.
Chỉ nghĩ đến tiền sẽ khó phát triển
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc ESUHAI Group, một bộ phận không nhỏ người lao động chọn đi nước ngoài làm việc bất hợp pháp vì tư tưởng ra nước ngoài làm việc là để kiếm tiền, cứ có cách nào kiếm được càng nhiều tiền, càng nhanh thì càng tốt.
Ông Sơn đánh giá: “Nếu nghĩ ra nước ngoài làm việc là kiếm được bao nhiêu tiền, bỏ ra bao nhiêu và kiếm về bao nhiêu giống như “mua bán” thì sẽ rất khó để phát triển tương lai lâu dài”.
Còn nói về kiếm tiền, phải so sánh việc đi nước ngoài làm việc theo chương trình chính thống, được ký kết giữa hai Chính phủ, có sự giám sát của các ban ngành chức năng với lựa chọn làm việc trong nước.
Ông Sơn phân tích: “Ở Việt Nam, sau 3 năm làm việc thì một lao động phổ thông có trình độ tốt nghiệp cấp 3 sẽ tích lũy mỗi tháng được bao nhiêu? Còn nếu đi Nhật, chịu khó làm việc, chi tiêu tiết kiệm thì được bao nhiêu?”.
Hầu hết các thực tập sinh đi Nhật làm việc chia sẻ sau 3 năm làm việc tích lũy được 500-700 triệu đồng. Có người chịu khó tăng ca còn tích lũy được nhiều hơn. Nhiều người sau 5 năm đi làm việc tích lũy được số vốn cả tỷ đồng.
“Ở Việt Nam, các em mới học xong cấp 3 không dễ tìm được công việc có thể để dành được 500-700 triệu đồng sau 3 năm làm việc. Kể cả các bạn tốt nghiệp đại học với học lực tốt thì sau 3 năm cũng không dễ dàng để dành được số tiền đó”, ông Sơn nói.
Theo ông Lê Long Sơn, đó không phải là con số quảng bá mà được tính từ thực tế dựa vào lương cơ bản của thực tập sinh và mức chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản.
Dù đồng yên có xuống giá thì lương cơ bản của thực tập sinh ở Nhật cũng đạt 24-35 triệu VNĐ. Nếu ăn tiêu cơ bản, ít tiêu xài… thì thấp nhất tiết kiệm được khoảng 150 triệu VNĐ mỗi năm.
Ông nhấn mạnh: “Trước khi đi, chúng tôi đào tạo, định hướng rất kỹ, tùy vào mục tiêu các em muốn để dành bao nhiêu thì sinh hoạt như thế nào, cách chi xài ra sao, tiết kiệm như thế nào… Còn các trường hợp muốn kiếm được hơn gấp nhiều lần nữa thì không nói đến. Muốn vậy, họ phải đánh đổi, chọn những con đường rủi ro, giống như câu chuyện “Ăn khế trả vàng” vậy!”.
Ra nước ngoài làm việc với tâm thế đi học
Tổng giám đốc ESUHAI Group cho rằng, nhiều người không cần đi nước ngoài vẫn kiếm được nhiều tiền vì họ có năng lực, tay nghề tốt, có kỹ năng, thạo ngoại ngữ…
Trong khi đó, nhiều người không có những năng lực trên mà lại muốn có nhiều tiền nên lựa chọn ra nước ngoài làm việc. Lúc này, họ chỉ chăm chăm vào chuyện kiếm tiền mà không nghĩ đến những gì mình có thể học hỏi từ chuyến đi nước ngoài.
Khi sang nước ngoài, họ chỉ có mục tiêu kiếm được thật nhiều tiền, cuối tuần giải trí nên không trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, mở rộng quan hệ xã hội… để làm nền tảng xây dựng sự nghiệp khi về nước.
Khi về nước, họ cũng lại tiếp tục chăm chăm kiếm việc nhiều tiền, không đạt được thì thất vọng, làm chủ thì không đủ năng lực, làm công lương thấp thì không chịu làm.
Ông nói: “Đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không trang bị kiến thức, định hướng tư duy phát triển, con đường đúng đắn thì đi 5 năm kiếm được 1 tỷ đồng về nước xây cái nhà là hết. Nhưng sau đó người lao động sẽ làm gì?”.
Theo ông Sơn, vấn đề hậu đi nước ngoài làm việc cần được quan tâm, bởi khi trở về nước, nếu người lao động không tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, ngoại ngữ, tuổi tác lại cao sẽ rất chật vật để cạnh tranh ở thị trường lao động trong nước.
Còn với người được đào tạo, định hướng tư duy, huấn luyện tác phong, kỹ năng trước khi đi nước ngoài làm việc thì lại khác. Cuối tuần họ đi giao lưu với người Nhật để học tiếng Nhật, học hỏi kỹ năng làm việc, học cách thức kinh doanh, kỹ thuật trong sản xuất, dịch vụ… để khi về nước có thể phát triển nghề nghiệp cho bản thân.
“Các em được trang bị nền tảng ngoại ngữ, tư duy lập nghiệp trong tương lai, họ sẽ tính đi mấy năm được bao nhiêu tiền cộng thêm giá trị gì cho bản thân. Nhiều em với xuất phát điểm là đi để học nghề, khi trở về tự mở cơ sở kinh doanh, sản xuất để làm chủ”, ông Sơn giải thích.
Đi làm công, về làm chủ
Theo ông Lê Long Sơn, ra nước ngoài làm việc là đi làm công, nhưng không phải chỉ để kiếm tiền mà phải xác định từ đầu là đi để học hỏi. Khi đó, người lao động lúc về mới làm chủ được.
Ông nói: “Khi đi làm, mình năng động, giao tiếp được, kỹ năng tốt thì quản lý đánh giá tốt, thấy mình có khả năng thì họ mới giao việc khó, mình mới học được kỹ năng mới. Chứ sang đó mà ù lì, không chịu giao tiếp thì họ chỉ giao mình làm những công việc chân tay giản đơn, lặp đi lặp lại, đâu học được nghề gì. Bởi vì ai tin tưởng giao việc khó, truyền nghề cho người không biết tiếng, ngại giao tiếp, không năng động?”.
Ông Sơn cho biết, thực tập sinh do công ty đào tạo và phái cử sang Nhật đi làm về thì ngoài khoản tiền tích lũy còn có mục tiêu quan trọng nhất là học được kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ, cách làm việc…
Các cựu thực tập sinh đạt yêu cầu trình độ ngoại ngữ, kỹ năng khi về nước sẽ được Esuworks (công ty thành viên của ESUHAI Group) giới thiệu đến các công ty Nhật tại Việt Nam để làm việc tùy theo chuyên môn, định hướng lên làm quản lý.
Trong số gần 10.000 cựu thực tập sinh đã về nước của Esuhai có rất nhiều người đạt trình độ tiếng Nhật N2, thậm chí là N1 (cấp độ khó nhất). Những người như vậy hiện làm quản lý tại các công ty lớn của Nhật ở Việt Nam hoặc khởi nghiệp kinh doanh riêng.
“Gia đình có nhiều tiền, họ bỏ nhiều tỷ đồng cho con đi du học để làm gì? Để học tiếng. Còn mình chưa có điều kiện thì đi theo dạng hợp đồng lao động, thực tập sinh… Nếu định hướng đi để học ngay từ đầu thì mình không cần bỏ ra nhiều tỷ mà còn mang tiền về, vẫn học được tiếng của người ta, vẫn học được kỹ năng chuyên môn, cách thức làm ăn để lập nghiệp”, ông Lê Long Sơn chia sẻ.
Cũng theo Tổng giám đốc ESUHAI Group, nếu người lao động trước khi đi nước ngoài làm việc được định hướng đúng ngay từ đầu thì sẽ không có vấn nạn đi về thất nghiệp vì không biết làm gì. Họ đã định sẵn con đường phát triển tương lai.
Khi thấy thành quả tương lai, người lao động sẽ nhận ra đi theo con đường chính thức còn mang lại lợi ích lớn hơn đi làm bất hợp pháp nhiều lần, dần dần sẽ góp phần hạn chế tình trạng đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài đầy nguy hiểm và hệ lụy.