Theo Yonhap, vừa qua, Bộ Lao động Hàn Quốc đã đề xuất sửa đổi quy định về số giờ làm việc tối đa hằng tuần. Luật lao động hiện hành tại Hàn Quốc quy định số giờ làm việc tối đa là 52 giờ/tuần (40 giờ làm chính thức và 12 giờ làm thêm). Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa.
Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu sử dụng lao động khác nhau của doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc dự định sửa đổi để cho phép các công ty linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giờ làm việc, cho phép các công ty tăng số giờ làm việc tối đa lên 69 giờ/tuần, trong khi vẫn giữ số giờ làm việc trung bình trong giới hạn 52 giờ.
Tăng số giờ làm việc hằng tuần lên 69 giờ có nghĩa là ngoài 40 giờ làm chính thức, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm thêm tối đa 29 giờ mỗi tuần. Chính phủ Hàn Quốc lập luận rằng, việc sửa đổi quy định sẽ cho phép các công ty huy động sức lực của nhân viên trong những tuần công việc bận rộn. Sau đó, nhân viên có thể chọn những ngày khác để nghỉ bù.
Bộ Lao động Hàn Quốc nhận định, giới hạn giờ làm việc hằng tuần hiện tại đã hạn chế quyền của các công ty và người lao động trong việc lựa chọn số giờ làm việc của họ. Với bối cảnh xã hội già hóa của Hàn Quốc, làm hết sức đổi lại ngày nghỉ phép kéo dài sẽ tạo điều kiện để người lao động có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn, thậm chí thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm của xứ kim chi.
“Chúng ta có thể giải quyết các vấn đề xã hội nghiêm trọng như già hóa nhanh và tỷ lệ sinh thấp bằng cách cho phép phụ nữ lựa chọn giờ làm việc linh hoạt hơn”, Bộ trưởng Lao động Lee Jung-sik lý giải.
Giờ làm việc luôn là vấn đề nhức nhối, gây nhiều tranh cãi tại Hàn Quốc, nơi có số giờ lao động trung bình thuộc hàng cao nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2021, một nhân viên Hàn Quốc trung bình làm việc tổng cộng 1.915 giờ/năm, cao thứ năm trong OECD và cao hơn gần 200 giờ so với mức trung bình toàn cầu.
Văn hóa “nghiện” làm việc tồn tại từ thời Hàn Quốc phải tái thiết sau Chiến tranh thế giới thứ hai là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia châu Á này có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nhiều người cũng lo ngại việc thay đổi các quy định theo hướng kéo dài giờ làm việc tối đa trong tuần sẽ gây ảnh hưởng xấu với sức khỏe của người lao động, đảo ngược những nỗ lực trước đây về hạn chế giờ làm việc vốn được thực hiện từ năm 2018. Các liên đoàn lao động tại Hàn Quốc chỉ trích kế hoạch này là “ý tưởng lỗi thời” và cáo buộc chính phủ đang ép buộc người lao động phải làm việc cường độ cao trong nhiều giờ.
Một số ý kiến phản đối cũng lập luận rằng, kế hoạch mới có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp vì có thể cho phép các doanh nghiệp sa thải công nhân nếu không đáp ứng yêu cầu làm việc nhiều giờ hơn. Bên cạnh đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol còn vấp phải sự phản đối tại Quốc hội, nơi đảng đối lập tuyên bố sẽ ngăn chặn cải cách này và lưu ý tới tỷ lệ kiệt sức, tử vong cao do làm việc nhiều giờ tại Hàn Quốc.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5-2022, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thúc đẩy việc cải cách chế độ lao động, việc làm, đưa cải cách lao động trở thành trọng tâm ưu tiên chính sách. Ông cam kết chính phủ sẽ cố gắng giải quyết những lo ngại của người dân bằng cách đưa ra quy định giới hạn số giờ làm việc mỗi tháng, quý hoặc năm, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, đề xuất tăng giờ làm tại Hàn Quốc đang đi ngược lại xu hướng hiện nay khi nhiều quốc gia đều hướng tới việc giảm ngày làm việc trong tuần, giúp người lao động ít chịu áp lực công việc hơn, có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và những sở thích của bản thân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, làm việc hơn 55 giờ/tuần là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Do vậy, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần cẩn trọng trong việc áp dụng mô hình tăng giờ làm việc tối đa để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe người lao động cũng như nền kinh tế xứ kim chi.
NGỌC HÂN