Hiện nay, đối tượng phong quân hàm sĩ quan tại ngũ bao gồm: Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan tại ngũ; Hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời chiến; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ; cán bộ, công chức ngoài Quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên vào phục vụ tại ngũ được bổ nhiệm giữ chức vụ của sĩ quan thì được phong cấp bậc quân hàm sĩ quan tương xứng.
Có 5 nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ: Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan hoặc các trường đại học ngoài Quân đội; Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu; Quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Cán bộ, công chức ngoài Quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong Quân đội đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Sĩ quan dự bị.
Như vậy, trong điều kiện hiện nay chiến sĩ đang phục vụ tại ngũ không được trực tiếp phong hàm sĩ quan trong Quân đội, tuy nhiên chiến sĩ vẫn có thể được phong quân hàm sĩ quan thông qua những hình thức gián tiếp như sau:
Thứ nhất, trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Căn cứ Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.
Điều 14 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định về việc tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp.
Cụ thể, đối tượng tuyển chọn: Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong trường hợp thay đổi tổ chức, biên chế mà chức vụ đang đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan; Hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ, đang phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội; Công nhân và viên chức quốc phòng.
Đối tượng tuyển dụng: Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên.
Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn, tuyển dụng gồm: Có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội; Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp.
Hình thức tuyển chọn, tuyển dụng là xét tuyển hoặc thi tuyển. Trường hợp tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc hoặc có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ bậc cao thì được tuyển chọn, tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Khi hết thời gian tại ngũ, chiến sĩ có thể trở thành quân nhân chuyên nghiệp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định trên.
Sau khi trở thành quân nhân chuyên nghiệp, quân nhân cần phải phấn đấu học tập và rèn luyện, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngạch sĩ quan sẽ được chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp sang ngạch sĩ quan.
Thứ hai, trong quá trình phục vụ tại ngũ chiến sĩ có thể ôn thi và thi vào các trường đào tạo sĩ quan trong Quân đội thông qua hình thức đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi các chiến sĩ trong thời gian tại ngũ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối tượng được ưu tiên tuyển chọn để trở thành quân nhân chuyên nghiệp
Điều 9 Thông tư 241/2017/TT-BQP quy định, ưu tiên trong tuyển chọn đối với các đối tượng được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 8, Khoản 4 Điều 14, Khoản 4 Điều 28 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các quy định sau:
– Hạ sĩ quan, binh sĩ đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.
– Tốt nghiệp cao đẳng, đại học các ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ Quân đội không đào tạo, phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm của công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức quốc phòng.
– Có tài năng, năng khiếu đặc biệt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và biên chế của Quân đội nhân dân trong các ngành, lĩnh vực thể dục thể thao, nghệ thuật.
– Là người dân tộc thiểu số.
Theo đó, những đối tượng thuộc quy định trên khi tham gia tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp sẽ được ưu tiên.
Thời hạn và tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
Căn cứ Điều 17 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định, thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau: Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp; Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định dưới đây.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.
Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Như vậy thời hạn phục vụ tại ngũ tối thiểu là 6 năm và tuổi phục vụ tại ngũ tùy thuộc vào cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp mà sẽ có quy định khác nhau.
Tuệ Minh