Hằng ngày, từ sáng sớm, nhiều phụ huynh ở Cà Mau ‘đi học’ cùng con trên những chuyến đò với mong ước con cái có tương lai tốt đẹp hơn.
Ngọc Hiển là vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Cà Mau, với 27 trường mầm non, tiểu học và THCS. Ở đây, việc đến trường không chỉ là hành trình của học sinh (HS) mà còn là câu chuyện đầy gian nan của phụ huynh. Với địa hình sông nước chằng chịt, những chuyến đưa đón bằng xuồng trở thành thói quen hằng ngày, mang theo cả sự vất vả và lo lắng của cha mẹ.
Tại điểm Trường tiểu học 2 Đất Mũi (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển), phụ huynh tập trung rất đông xung quanh các hàng quán gần trường đợi rước con cháu. Trường hiện có 350 HS, trong đó khoảng 80% HS phải đi học bằng xuồng.
Chị Huỳnh Bích Ngọc phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho con gái đi học. Nhà chị nằm sâu trong một nhánh rạch nhỏ, muốn đến được trường phải đi qua nhiều con sông lớn nhỏ. “Hằng ngày, tôi tranh thủ để chồng đưa ra sông lớn, sau đó đi đò đến trường với chi phí mỗi ngày khoảng 60.000 đồng cho 2 mẹ con, chưa tính tiền ăn uống. Nhà xa, cách trở đủ đường nên tôi buộc phải ở lại trường đợi đến chiều đón con về”, chị Ngọc bộc bạch.
Ông Trần Văn Dũng (73 tuổi, ngụ ấp Cái Xép, xã Đất Mũi) mỗi ngày cũng phải chi 30.000 đồng tiền đò 2 lượt sáng đi, chiều về cho cháu nội học lớp 5, chưa tính tiền ăn trưa. “Ở đây giao thông khó khăn nên việc học gặp nhiều vất vả, có cháu nhà khó khăn phải bỏ học giữa chừng”, ông Dũng chia sẻ.
Tại điểm Trường tiểu học 1 xã Tân Ân Tây (xã Tân Ân Tây), chị Trần Thị Thủy (32 tuổi, ở xã Tân Ân Tây) cho biết: “Nhà cách trường hơn 10 km, lại chưa có đường nên tôi phải đưa 2 con đi học bằng xuồng. Nếu chọn cách ở lại rồi đợi rước con về vào buổi chiều thì chỉ cần 2 lít xăng với 2 lượt đi về; còn chọn về nhà vào buổi trưa thì tốn gấp đôi chi phí. Để tiết kiệm chi phí, tôi ở nhờ nhà người quen vào buổi trưa”.
Cô Đàm Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học 1 Tân Ân Tây, cho biết trường hiện có 100/321 em đi học bằng đường thủy. Dù địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện đường sá chưa phủ khắp địa bàn nên việc đến trường của các em càng thêm vất vả.
Theo cô Hà, việc đi học bằng đường thủy gặp nhiều khó khăn hơn so với đường bộ vì chi phí cao, tốn nhiều thời gian lại nguy hiểm. “Việc các cháu đến lớp trễ do xuồng trục trặc máy móc cũng thường xảy ra. Vào con nước ròng, tôi nhìn các em nhỏ leo lên leo xuống xuồng bằng cầu gỗ tạm bợ mà xót xa”, cô Hà chia sẻ.
Theo Phòng GD-ĐT H.Ngọc Hiển, toàn huyện có hơn 1.600 HS đi học bằng phương tiện thủy. Thời gian qua, các trường tích cực vận động nhà hảo tâm cùng địa phương hỗ trợ những trường hợp khó khăn.
Ông Lê Xuân Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Ngọc Hiển, kiến nghị địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền đò cho HS có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm xây dựng các tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa để các em đến trường thuận lợi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/di-hoc-cung-con-tren-nhung-chuyen-do-185241111193143288.htm