Cây xăng không chỉ là nơi để đổ xăng mà còn là nơi người ta thấy được những hành động đẹp và chưa đẹp.
Giờ cao điểm, không chỉ đường kẹt mà trong các cây xăng, hàng xe cũng nối dài chờ đợi. Nhiều người ý thức xếp hàng chờ đến lượt mình, nhưng cũng có người mạnh ai nấy chen vào trụ bơm để giành đổ trước.
Ý thức đẹp ở cây xăng
16h30, dòng xe đông đúc nối đuôi nhau trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào giờ tan tầm. Bên trong trạm xăng dầu số 30, người chờ đổ xăng cũng nối thành hàng dài.
Ở trạm xăng dầu này có ba nhân viên làm việc liên tục. Họ dùng dây chằng thành một hàng ở trụ bơm thứ nhất. Khách hàng tới đổ xăng sẽ được hướng dẫn dắt xe vào trong và nối dài ra ngoài, lần lượt từng người được đổ.
Với cách làm này, tất cả khách hàng đều ý thức xếp hàng theo từng lượt. Thậm chí có những người chưa tới lượt nhưng vẫn chủ động mở nắp bình xăng ra trước khi vào cột bơm để tránh việc người sau chờ lâu.
Nhiều người cầm sẵn tiền và đổ đúng lượng tiền đó để đỡ tốn thời gian nhân viên thối. Xong xuôi, khách dắt xe lên phía trên chừng vài mét để xe phía sau tiếp tục vào vị trí bơm xăng, lúc đó họ mới đóng nắp bình xăng và làm nốt những việc cần thiết trước khi rời đi.
Hành động đẹp còn thể hiện ở chỗ khi cây xăng mở hàng đổ thứ hai bên trong, khách hàng không hề chen chúc mà chủ động nhường nhau vào trụ vắng hơn. Xe phía sau cũng nối đuôi theo để đỡ ùn tắc.
Tại một cây xăng ở quận Gò Vấp không căng dây xếp hàng, nhưng khi khách vừa vào nhân viên sẽ hướng dẫn đi phía bên trái của trạm bơm chờ đến lượt.
Một khách hàng đang chờ đổ xăng nhưng có cuộc điện thoại liền lùi xe, ra dấu mời người phía sau tiến lên đổ trước. Còn anh thì chạy ra phía xa để nghe điện thoại rồi mới quay lại đổ tiếp.
Một lần tại cây xăng khác, tôi đang xếp hàng, bỗng một người chen lên trước, cảm giác trong người khó chịu nhưng tôi vẫn cố nén.
Khi anh nhân viên đổ xăng lịch sự nhìn tôi và vị khách chen lên trước hỏi “đổ cho ai trước đây?”, không ngờ vị khách chen lên trước chỉ qua tôi cười. Tôi cũng cười đáp lại.
Chờ quý cô làm theo “quy trình” quá mất thời gian
Cũng tại cây xăng khác ở quận Gò Vấp, một số khách hàng phản ứng lại với nhân viên vì không đổ đúng lượt.
Vì cây xăng không giăng dây để khách xếp thành hàng nên mạnh ai nấy chen lên. Nhân viên không thể nhớ hết ai vào trước vào sau nên thỉnh thoảng vẫn đổ nhầm cho người đến sau khiến người đến trước bực bội.
Hay ở một cây xăng ở quận Phú Nhuận, vào giờ cao điểm nhiều người không chịu xếp hàng mà sẵn sàng chen ngang.
Tương tự là tại một cây xăng ở quận Tân Bình. Cây xăng lớn, khách đông, được chia 4-5 làn để khách xếp hàng. Buổi sáng và buổi chiều thường đông khách, ai cũng tranh thủ xếp hàng trước để được đổ xăng, chạy đi.
Nguyên tắc ai đến trước thì đổ xăng trước. Nhưng do làn xếp hàng khá rộng, hai chiếc xe có thể cùng lúc xếp hàng ngang nhau nên có chuyện xe này vượt xe trước để giành đổ trước.
Nhân viên bận đổ liên tục nên cũng chẳng hỏi han ai đến trước đến sau, khiến nhiều người đến trước đành chờ, có khi 2-3 lượt bị chen ngang mới tới mình nên tỏ ra bực bội.
Có những “quý cô” bịt kín từ đầu đến chân, khoảng thời gian đứng xếp hàng không hề làm gì, tới khi đến cột bơm mới bắt đầu cởi áo khoác, tháo bao tay, tháo kính rồi lọ mọ moi chiếc ví để trong cốp xe.
Đổ xong, nhiều người phía sau vẫn phải chờ “quý cô” cất lại tiền thừa, nhét ví vào cốp xe, xếp gọn đồ đạc rồi mới đeo kính chạy đi.
Nhiều người có thói quen nếu muốn đổi tiền sẽ ra cây xăng. Như một người đàn ông tại cây xăng ở quận Phú Nhuận đến chỉ đổ vài chục ngàn rồi đưa cho nhân viên tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, yêu cầu thối lại tiền 100.000 đồng.
Để tránh trường hợp giành nhau, một cây xăng ở quận 3 giăng dây chia thành nhiều lối nhỏ, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe, xe khác muốn cũng không thể chen vào. Khách này đổ xong đi ra mới đến lượt người khác tiếp theo.
Thiết nghĩ đây là một cách làm hay mà các cây xăng khác cần tham khảo.
Có lần tôi xếp hàng mua xôi tại quán xôi ở lề đường. Điểm bán khá đông khách và người mua thường xếp hàng chờ tới lượt.
Đợt cuối cùng còn lại bốn người, tôi, hai chị và một thanh niên nữa. Dù đến sau cùng nhưng thanh niên này luôn tỏ ra sốt ruột, muốn được mua trước. Không được, anh thanh niên tỏ vẻ giận dỗi và quay xe đi.
Một chị lên tiếng: “Bán cho người ta trước để người ta đi làm”. Nghe thấy vậy anh thanh niên quay đầu lại. Nhưng một chị khác không đồng ý, nói chị tới sớm hơn thanh niên kia.
Cuối cùng anh thanh niên kia cũng phải chờ đến lượt mình.
Nguồn: https://tuoitre.vn/di-do-xang-noi-nhuong-nhau-cho-toi-luot-cho-ao-len-chen-ngang-20241214225644265.htm