Những hoạt động nghiệp vụ thông qua các chuyến tác nghiệp là một ví dụ như vậy. Thực tế đi và viết, đã giúp các hội viên nâng cao kiến thức, mở rộng mối quan hệ và có những bài viết sâu sắc, mang hơi thở cuộc sống. Nhà báo Kiều Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận xung quanh hoạt động thiết thực này.
+ Xuất phát từ thực tiễn nghề nghiệp, thời gian qua, hoạt động của Hội Nhà báo TP. Hà Nội luôn gắn những chuyến tác nghiệp thực tế rất được lòng hội viên. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
– Trước hết có thể nói, những chuyến thực tế được tổ chức đều dựa trên chương trình công tác hằng năm mà Lãnh đạo Hội đã đề ra và được các cấp Liên chi hội và chi hội đã thống nhất. Chúng tôi căn cứ vào nhiệm vụ công tác của TP. Hà Nội hằng năm gắn với những hoạt động trọng tâm như thế nào? Sự hợp tác giữa Hội NBHN với các tỉnh, thành phố cùng với yêu cầu của chi hội, Liên chi hội, hội viên đang mong muốn gì, gửi gắm gì, trông cậy gì vào chuyến đi thực tế…? Đồng thời có phương án kêu gọi được doanh nghiệp, UBND tỉnh, thành phố các địa phương, các cơ quan báo chí đồng hành, tạo điều kiện như thế nào…?
Với những vấn đề đặt ra đó, nếu hội tụ đủ yêu cầu thì chúng tôi sẽ có ngay phương án tổ chức phù hợp. Chẳng hạn như căn cứ vào các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy, TP. Hà Nội trong năm 2023 là 10 chương trình công tác lớn cùng với việc căn cứ vào yêu cầu từ các cuộc thi của Thành phố đề ra như 2 giải báo chí về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và giải về văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, rồi căn cứ vào sự trao đổi, hợp tác giữa Hội Hà Nội các địa phương, doanh nghiệp… chúng tôi đã tổ chức được nhiều chuyến đi rất hiệu quả… Thậm chí, những chuyến đi thực tế ở các tỉnh thành phố khác cũng được quan tâm triển khai.
Mới đây nhất, chúng tôi tổ chức cho anh em đi viết về Văn hóa người Mường tại Hòa Bình rất thành công. Năm nay Hòa Bình là trưởng cụm thi đua QL6, phát động cuộc thi viết về chủ đề “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên tiến trình hội nhập”, dựa trên cơ sở đấy, chúng tôi thông báo cho các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội, lập đề cương viết về văn hóa Hòa Bình là như thế nào? Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Nội đã triển khai ra sao và cùng xác định Hà Nội với Hòa Bình có điểm chung, tương đồng với nhau cùng các yêu cầu của 2 phía. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng kêu gọi các doanh nghiệp của 02 địa phương cùng chung tay, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được thâm nhập thực tế, đi tìm hiểu các mô hình gắn du lịch với Văn hóa…
+ Việc triển khai các hoạt động tác nghiệp thực tiễn cho phóng viên, hội viên đã góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiệp vụ như thế nào, thưa ông?
– Với kinh nghiệm thực tế, tôi cho rằng, thứ nhất là những yêu cầu đặt ra, kế hoạch, chương trình hằng năm đã đạt được yêu cầu. Thứ hai là đội ngũ Phóng viên, biên tập viên được thâm nhập thực tế, có thêm nhiều kiến thức. Thứ ba nữa là từ những kiến thức trau dồi ở thực tế, có ý tưởng hay góp phần làm nên các tác phẩm chất lượng, sản phẩm tốt, hiệu quả để tham dự các giải báo chí của Thành phố, bộ, ban ngành và báo chí Quốc gia…
Chúng tôi thấy rằng, các hội viên tham gia các chuyến thực tế thấy rất hài lòng ở rất nhiều mặt, thứ nhất là hoàn thành nhiệm vụ của Ban Biên tập họ đề ra, thứ hai là có vốn sống thực tế, thêm chất liệu viết những tác phẩm có sức lan tỏa, hiệu quả cao trong xã hội, từ đó khơi dậy sự đam mê, nuôi dưỡng lửa nghề…
+ Để có sự thành công, hiệu quả trong các hoạt động thực tiễn, tôi cho rằng, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới là sự năng động của lãnh đạo Hội trong công tác tổ chức, huy động, kết nối, thưa ông?
– Đúng là như vậy. Thành công quan trọng nhất trong các chuyến thực tế tác nghiệp cho hội viên chính là lãnh đạo Hội phải thực sự năng động. Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội phải phát huy được ưu thế, vị trí, vai trò của Hội tại địa phương trên địa bàn và các địa phương cần làm việc để khi liên hệ công tác, phối hợp thì sẽ luôn được chào đón chu đáo.
Hội Nhà báo tỉnh thành phố, muốn làm, phát huy vai trò của mình thì phải dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để đưa các đoàn về với doanh nghiệp và lan tỏa thông tin tại địa phương, doanh nghiệp tới người dân… Nếu không năng động thì khó mà triển khai thực hiện được. Tôi ví dụ chương trình thực tế thường niên của Hội Nhà báo Hà Nội là chương trình phối hợp với Cục Chính trị – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Chúng tôi ký kết được 9 năm rồi và duy trì rất tốt. Hằng năm tổ chức 2 đoàn, đầu năm đi lên phía Bắc, Hội xin được lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, cuối năm với chuyến công tác tới các đồn biên phòng phía Nam để tuyên truyền về biên giới, hải đảo và vừa rồi chúng tôi đã đến tham quan Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và đón nhận Lá cờ số 77 từ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đất Mũi… Trong các chuyến tác nghiệp này, các nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị, tuyên truyền cho biên giới, hải đảo đều được báo chí Hà Nội lan tỏa rộng rãi, các bài viết còn được in thành sách, năm nào cũng có 1 tập ra đời, 9 năm là 9 tập rất ý nghĩa…
+ Xin cảm ơn ông!
Sông Mây (Thực hiện)