(CLO) Liên minh quân nổi dậy do một nhóm từng là chi nhánh của tổ chức khủng bố al Qaeda đã lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad và kết thúc chế độ 60 năm cầm quyền của gia đình ông ở Syria. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cuộc nội chiến và những vấn đề ở quốc gia này sẽ kết thúc.
Cuộc nội chiến Syria đã trải qua hơn 13 năm đẫm máu, và sau khoảng năm năm bị coi là “đóng băng”, tiền tuyến trong tuần qua đã có những thay đổi, khi quân nổi dậy đã lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.
Tất nhiên, nó sẽ chưa kết thúc, khi vẫn còn hàng loạt nhóm phiến quân và lực lượng ủy nhiệm đang hoạt động ở quốc gia này, gồm các tổ chức khủng bố IS. Bởi vậy, những vấn đề trước đây tại Syria, như bạo loạn, ma túy và các cuộc giao tranh, chắc chắn vẫn còn đó và sẽ không dễ bị loại bỏ, bất kể ai sẽ lên nắm quyền tại Syria tới đây.
Nguy cơ di dời hàng loạt
Cuộc nội chiến kéo dài ở Syria đã khiến khoảng một nửa dân số của quốc gia này phải di dời và biến từ 6 đến 7 triệu người dân thành người tị nạn ở nước ngoài. Hầu hết họ tìm nơi trú ẩn ở các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan.
Tuần này, khi tình hình chiến sự trở nên căng thẳng hơn, các nhà quan sát của Liên hợp quốc cho biết đã có khoảng 120.000 người đã phải di dời. Thậm chí, việc chính quyền ông Assad bị lật đổ và việc quân nổi dậy sẽ có một vị thế cao tới đây hoàn toàn có thể khiến sự bất ổn gia tăng, tao ra thêm các làn sóng di cư mới.
Hội đồng Người tị nạn Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố: “Từ Aleppo đến Idlib đến Hama, các đối tác của chúng tôi báo cáo rằng sự gia tăng của các hành động thù địch đang đe dọa đến cuộc sống của dân thường, gây ra làn sóng di cư nội bộ, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu và cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cứu sinh”.
Số lượng người phải di dời và nơi họ đến sẽ phụ thuộc vào cách thức hoạt động của các chiến binh phiến quân, đặc biệt là HTS (Hayat Tahrir al-Sham) – một nhóm phiến quân Hồi giáo nổi bật. HTS đã tiếp cận các cộng đồng thiểu số, cam kết bảo vệ họ và trấn an rằng họ không có gì phải sợ, vì mục tiêu chính của nhóm này là lật đổ chế độ Assad.
Nếu HTS tiếp tục giữ vững quan điểm này và có chiến lược bảo vệ cộng đồng thiểu số, những người tị nạn ở các quốc gia láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và định kiến, có thể sẽ quay trở lại Syria.
Ngược lại, nếu các nhóm phiến quân có hành vi lạm dụng, một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra, kéo theo sự gia tăng di cư từ Syria. Tình hình có thể phức tạp thêm nếu những người ủng hộ chế độ Assad và binh lính tìm cách rời khỏi quốc gia.
Cơ hội cho những kẻ cực đoan IS?
Trong cuộc nội chiến Syria, nhóm cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã tận dụng tình hình an ninh bấp bênh để chiếm giữ thành phố Raqqa ở miền trung Syria.
Mặc dù đã bị liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu đánh bại, IS vẫn âm thầm hoạt động ở các vùng sa mạc hẻo lánh của Syria. Chúng tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ vào mọi mục tiêu mà chúng coi là kẻ thù, bao gồm cả HTS.
Sự phân tán lực lượng của cả chính quyền Syria và phe đối lập trước đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho IS gia tăng hoạt động khủng bố, với số vụ tấn công tăng mạnh trong năm 2024, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ.
Deyaa Alrwishdi, một nghiên cứu viên tại Trường Luật Harvard và chuyên gia về luật chiến tranh, đã phân tích rằng sự bất ổn kéo dài và quản lý yếu kém là những yếu tố chính thúc đẩy sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan. Trong lịch sử, IS đã lợi dụng bối cảnh chính trị chia rẽ và khoảng trống quyền lực ở Syria, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó và thiếu sự kiểm soát.
Thiên đường buôn bán ma túy
Tình hình bất ổn với nhiều nhóm phiến quân chiếm đóng đã biến “Syria thành một quốc gia ma túy”, theo nhận định của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm tư vấn an ninh Soufan.
Do các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng từ phương Tây, Captagon, một loại ma túy tổng hợp, đã trở thành một nguồn thu nhập bất hợp pháp quan trọng giúp các nhóm phiến quân và một bộ phận chính quyền Syria trước đây duy trì hoạt động.
Caroline Rose, chuyên gia tại Viện nghiên cứu New Lines, cho biết: “Đã có báo cáo về việc Captagon được vận chuyển qua các khu vực do phiến quân kiểm soát, đặc biệt là vào đầu những năm 2020 và có bằng chứng về việc thu thuế bất hợp pháp đối với những mặt hàng này”, bà nói. “Tuy nhiên, gần đây, HTS đã tích cực triển khai các biện pháp để ngăn chặn hoạt động buôn lậu ma túy và đổ lỗi cho chính quyền Assad, nhằm tạo hình ảnh tích cực cho bản thân”.
Dấu hỏi về vị thế mới của Syria trong khu vực
Sau hơn một thập kỷ nội chiến tàn khốc ở Syria, nhiều quốc gia — bao gồm các quốc gia châu Âu — ít nhiều đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, vốn đã đóng băng trong một thời gian dài, để thích ứng với tình hình mới ở Syria.
Một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út đã từng chuyển hướng và bình thường hóa quan hệ với chế độ Assad. Syria còn được chấp nhận quay trở lại Liên đoàn Ả Rập vào tháng 5 năm 2023.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi chính quyền ông Assad sụp đổ. “Sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ sẽ buộc các thủ đô Ả Rập phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề này”, Lister đến từ MEI nhấn mạnh.
Hà Trang (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/syria-di-cu-ma-tuy-va-nhung-he-luy-khac-post324668.html