Theo nghiên cứu, đi bộ giúp tăng cường chức năng cơ bắp, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tiểu đường loại 2, ung thư và tim mạch, theo trang sức khỏe Verywell Health.
Bạn không cần phải gắng sức chạy nhanh, chỉ cần đi bộ với tốc độ trung bình khoảng 4,8 km/giờ là đã có thể nhận được những lợi ích này.
Theo nghiên cứu trên tạp chí British Journal of Sports Medicine, những người đi bộ 111 phút với tốc độ trên mỗi ngày, có thể kéo dài tuổi thọ thêm gần 11 năm.
Ông Panteleimon Ekkekakis, giáo sư tâm lý học thể chất, tại ĐH bang Michigan (Mỹ), cho biết đi bộ là lựa chọn đơn giản, dễ thực hiện và ít gây áp lực lên cơ thể. Hầu hết mọi người đều cảm thấy thoải mái với hoạt động này.
Hướng dẫn đi bộ đúng cách
Theo các khuyến nghị, người trưởng thành nên vận động vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, kết hợp thêm các bài tập rèn luyện sức mạnh.
Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong việc thực hiện các khuyến nghị này vì cảm thấy quá sức, tốn kém hoặc thiếu thời gian.
Ông Thomas W. Buford, giáo sư Khoa Y, ĐH Alabama ở Birmingham (Mỹ), cho biết đi bộ nhanh là một hình thức vận động vừa phải rất hiệu quả và dễ thực hiện. Bạn không cần thiết bị đặc biệt hay kỹ năng phức tạp.
Đi bộ 4,8 km/giờ giúp tăng nhịp tim và cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tốc độ này có thể điều chỉnh tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người.
Nếu bạn mới bắt đầu, hãy đi bộ với tốc độ thoải mái và tăng dần tốc độ theo thời gian. Ngược lại, nếu cơ thể cảm thấy thoải mái với tốc độ 4,8 km/giờ, bạn có thể đi nhanh hơn. Đi bộ đều đặn, dù nhanh hay chậm, đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Tốc độ đi bộ ở người lớn tuổi
Tốc độ đi bộ có thể giúp chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý nhất định. Việc theo dõi tốc độ đi bộ còn đánh giá được khả năng vận động, nguy cơ suy giảm nhận thức và quá trình lão hóa.
Tốc độ đi bộ chậm là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Cụ thể, người có tốc độ đi bộ dưới 3,5 km/giờ có nguy cơ té ngã cao hơn.
Nguyên nhân là do hệ thần kinh không đủ khả năng phối hợp nhịp nhàng các động tác đi bộ hoặc do cơ bắp yếu không đủ sức để đi nhanh.
Vì vậy, việc theo dõi tốc độ đi bộ ở người lớn tuổi là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp đánh giá sức khỏe tổng thể mà còn dự đoán được những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/di-bo-voi-toc-do-bao-nhieu-co-the-keo-dai-tuoi-tho-18524121717592426.htm