Đơn xin visa du học tăng gấp ba
Ủy ban Giáo dục Malaysia (EMGS) ngày 5.10 tổ chức triển lãm du học Malaysia 2024 tại TP.HCM. Phát biểu tại sự kiện, tiến sĩ Erica Kwan Lee Yin, trợ lý quản lý EMGS, nhận định ngày càng nhiều học sinh Việt lựa chọn du học Malaysia, với hơn 1.700 đơn xin visa du học từ năm 2020. “Lượng đơn đã tăng gấp ba từ 2020 đến 2024”, bà Erica Kwan Lee Yin chia sẻ.
“Tính đến tháng 9 năm nay, chúng tôi đã xử lý hơn 600 đơn đăng ký visa du học từ Việt Nam, đưa chúng tôi thành quốc gia Đông Nam Á phổ biến thứ ba với người Việt về lựa chọn giáo dục ĐH. Chúng tôi luôn nồng nhiệt chào đón các bạn và hầu hết các khóa học đều dạy bằng tiếng Anh”, tiến sĩ Erica Kwan Lee thông tin.
Tiến sĩ Azriey Mazlan, Lãnh sự giáo dục, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM, cho biết người học có nhiều lựa chọn giáo dục, từ chương trình hè học tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ, đến các chương trình cấp bằng tại 20 ĐH công lập, hơn 160 tổ chức giáo dục tư thục và 11 cơ sở của ĐH nước ngoài tại Malaysia. “Chúng tôi luôn cố gắng tăng số lượng du học sinh Việt ở cả khóa ngắn và dài hạn”, ông Azriey Mazlan chia sẻ.
Theo EMGS, học phí trung bình của các trường ĐH Malaysia là 8.000 USD/năm (198 triệu đồng). Con số này cạnh tranh với một số trường ĐH Việt Nam như VinUni (tối đa 815 triệu đồng/năm), Fulbright (467 triệu đồng), Anh Quốc Việt Nam (tối đa 391 triệu đồng), Quốc tế Hồng Bàng (tối đa 250 triệu đồng), Văn Lang (tối đa 200 triệu) hay Luật TP.HCM (tối đa 181,5 triệu đồng)…
Bước đầu tìm hiểu Việt Nam
Tại sự kiện, ĐH Mã Lai (UM), ngôi trường số 1 Malaysia và hạng 60 thế giới theo bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu năm học 2024-2025 của QS (Anh), lần đầu đến Việt Nam tuyển sinh. “Chúng tôi muốn thu hút thêm nhiều người Việt đến học tại hơn 200 chương trình trong kỳ nhập học tháng 3, tháng 10”, ông Muhammad Irsyad Zaini, chuyên viên tiếp thị và tuyển sinh UM, nói với Thanh Niên.
Đại diện UM cho biết, để nhập học bậc cử nhân, học sinh Việt Nam cần đáp ứng 2 tiêu chí là điểm học bạ và trình độ tiếng Anh. Nếu chọn chương trình khoa học (bachelor of science), trường sẽ xét điểm các môn sinh học, hóa học, vật lý, toán học tùy ngành, với mức tối thiểu là 75% (tức 7,5/10 nếu học tại Việt Nam). Về tiếng Anh, các bạn phải đạt IELTS từ 5.5 trở lên tùy ngành, theo ông Muhammad Irsyad Zaini.
“Hiện, chúng tôi chỉ có học bổng tiến sĩ dành cho sinh viên quốc tế với giá trị toàn phần (miễn học phí kèm trợ cấp hằng tháng) hay bán phần (chỉ miễn học phí). Tại UM, chúng tôi tiếp nhận nhiều sinh viên trao đổi từ Việt Nam song sinh viên chính quy có chưa đến 20 bạn ở cả bậc ĐH, sau ĐH. Một điểm nhấn là trường có 1.000 đối tác toàn cầu, giúp sinh viên có thể học ở bất cứ nước nào từ vài ngày đến cả năm học”, đại diện UM nói.
Ngôi trường số 2 Malaysia và hạng 138 thế giới là ĐH Quốc gia Malaysia (UKM) cũng có mặt tại sự kiện. Theo đại diện UKM, trường có hơn 200 chương trình từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, thời lượng đào tạo kéo dài từ 3 – 5 năm tùy ngành. Riêng ở bậc cử nhân, ứng viên cần có trình độ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên và tham gia một năm dự bị ĐH mới được vào chương trình chính quy.
“Chúng tôi tuy không có chương trình học bổng cụ thể nhưng cũng vận hành nhiều hình thức hỗ trợ người học khác nhau. Chẳng hạn, với bậc sau ĐH, giảng viên của chúng tôi được tài trợ để nghiên cứu và sinh viên có thể nhận khoản này nhằm trang trải học phí. Trường cũng có chương trình hỗ trợ sinh viên nếu các bạn gặp khó về tài chính hay học phí”, đại diện UKM cho hay.
GS-TS Hilmi Mukhtar, Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật của ĐH Công nghệ Petronas (UTP), ngôi trường đứng thứ 8 tại Malaysia và hạng 269 thế giới, cho biết trường cũng yêu cầu ứng viên học thêm một năm dự bị trước khi chuyển vào chương trình chính quy hoặc xét tuyển thẳng nếu ứng viên có bằng cấp tương đương A-level (trong đó bao gồm chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam).
Là đơn vị trực thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas của Chính phủ Malaysia, GS-TS Hilmi Mukhtar cho biết UTP có nhiều ngành đào tạo hàng đầu thế giới như kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật hóa học. Về học bổng, tương tự UM, UTP hiện cũng chưa có chương trình học bổng bậc ĐH cho sinh viên quốc tế, mà chủ yếu ở bậc sau ĐH, chủ yếu hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Đổi lại, du học sinh phải tham gia trợ giảng và làm việc trong các phòng thí nghiệm của trường.
Ngoài các chương trình chính quy, GS-TS Hilmi Mukhtar cho biết UTP hiện cũng tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam theo diện chương trình trao đổi từ các đối tác như Trường ĐH FPT, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chủ yếu ở các khóa học tiếng Anh.
Về mức lương trung bình, GS-TS Hilmi Mukhtar cho biết hơn 60% sinh viên tốt nghiệp từ trường có thu nhập cao hơn mức trung bình của Malaysia là 3.000 ringgit (17,6 triệu đồng). Trong khi đó, đại diện UKM thông tin sinh viên tốt nghiệp từ trường có thể nhận 3.000 – 5.000 ringgit (17,6 – 29,3 triệu đồng) tùy ngành. Phần lớn sinh viên đều có việc làm trong 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp, đại diện các trường chia sẻ thêm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dh-top-dau-dong-nam-a-tich-cuc-tuyen-sinh-nguoi-viet-hoc-phi-ngang-truong-viet-185241006101510257.htm