Quyết định được công bố sáng nay, 24/10. PGS.TS Nguyễn Phi Lê, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, được giao nhiệm vụ điều hành Viện nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành là nhu cầu cấp thiết nhằm phát huy tối đa sức mạnh của AI trong các ngành nghề, lĩnh vực khác. 

ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập Viện nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo với kỳ vọng phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra các nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo liên ngành tầm cỡ khu vực.

20241024 CBO_6928 2.jpg
Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội trao quyết định thành lập Viện và bổ nhiệm nhân sự. (Ảnh: HUST)

Định hướng trung hạn và dài hạn của viện là đẩy mạnh và “nhúng sâu” trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đời sống, nâng cao năng lực và thông minh hóa trong học máy… Viện sẽ có 6 phòng thí nghiệm, bao gồm: Học máy, Công nghệ bán dẫn thông minh, Khoa học sự sống thông minh, Môi trường thông minh, Hệ thống thông minh và Giáo dục thông minh. 

Viện đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập ít nhất một nhóm nghiên cứu mạnh và là một trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo dẫn đầu Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay đây là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên trong cả nước tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo liên ngành. Bộ GD-ĐT kỳ vọng viện sẽ tạo nên những nghiên cứu đột phá, có giá trị ứng dụng thực tiễn.

Như vậy tính đến hiện tại, ĐH Bách khoa Hà Nội có 6 trường, 6 viện nghiên cứu và 4 khoa quản ngành, 3 khoa đại cương. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Xây dựng Bách khoa Hà Nội thành ĐH hàng đầu châu ÁTrưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới xây dựng nhà trường trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.