Trong chuyến đi Hà Giang cùng với các nghệ sĩ tham gia vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên), chúng tôi đã được thưởng thức món đặc sản khó quên của vùng đất này, đó là thắng cố.
Thắng cố ở chợ Đồng Văn. Ảnh: PHI ANH
Ngai ngái nhưng dễ ghiền
Thắng cố là món ăn truyền thống lâu đời của đồng bào người Mông ở các tỉnh phía Bắc trong các ngày trọng đại, nhất là ở chợ phiên. Thắng cố trong tiếng Mông có nghĩa là canh thịt. Món này được chế biến từ thịt bò, trâu, ngựa và cả thịt heo.
Tất cả các bộ phận của con vật, gồm dạ dày, tim, gan, phổi, tiết, thịt, xương đều được cho vào chảo nước ninh nhừ cùng các loại gia vị quế, hồi, sả, hạt dổi…
Thoạt đầu, ai chưa quen ăn sẽ rất khó ngửi bởi nó không chỉ ngai ngái mà còn khá ngậy. Cái mùi ngai ngái đó chính là từ ruột non của con vật còn nguyên chứ không qua sơ chế. Nghe hơi “ghê” nhưng muốn thắng cố ngon đúng vị thì không thể thiếu thứ ruột non này.
Cái mùi ngai ngái đó quyện với các gia vị đã tạo nên một hương vị rất lạ đối với những người ở miền xuôi. Ban đầu hơi ngại, húp một muỗng vẫn thấy hơi kỳ kỳ nhưng sau nhiều muỗng nữa thì nhất định sẽ ghiền và quyến luyến mãi.
Tác giả và NSƯT Quế Trân chụp ảnh cùng các cô gái miền cao ở chợ phiên
Ăn thắng cố phải đến chợ phiên
Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc hiện nay đã có món thắng cố trong thực đơn. Nhưng để thưởng thức món này đúng vị thì phải đến cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. Đến nơi chưa đủ, bạn phải tìm đến các buổi chợ phiên mới có thể thưởng thức món thắng cố “đâu vào đấy”.
Chợ phiên Đồng Văn họp vào chủ nhật hằng tuần. Người Mông đi chợ Đồng Văn đều ghé ăn một bát thắng cố, uống vài chén rượu với bạn bè. Người dân ở đây quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu.
Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè cùng ăn. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muỗng gỗ. Đi kèm tô thắng cố bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dằm cay. Húp một muỗng thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ thấy rất đậm đà.
Chợ Đồng Văn bây giờ rộng thoáng, được xây dựng kiên cố không khác gì chợ dưới xuôi. Nhưng nhà cửa có mọc cao hơn thì vẫn không thể thay thế được những chiếc ô của chị em đi chợ.
Chen chân vào những chiếc ô đủ màu sắc đó, ngắm nghía đến no mắt những sản vật địa phương, khi chân hơi mỏi, bụng hơi đói, chúng tôi tìm đến một hàng thắng cố nghỉ chân. Những tô thắng cố đầy ắp thịt được múc ra từ chiếc chảo to vật vã khiến ai nấy đều cồn cào.
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi húp từng muỗng thắng cố đậm vị, nhai nhẩn nha những miếng thịt giòn sựt, dai dai, nghe mùi thơm của các loại thảo mộc thiên nhiên lan tỏa, ấm rực cả người…
Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, NSƯT Quế Trân cho biết cô rất ấn tượng với con người và vùng đất Hà Giang. Nơi đây có những phong tục tập quán phong phú, những dãy núi đá cao hùng vĩ và cả những món ăn hấp dẫn làm từ nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên mà đặc sắc nhất có lẽ là món thắng cố.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/xao-xuyen-thang-co-ha-giang-20200409212232123.htm