Vịt Cổ Lũng là đặc sản du khách không thể bỏ qua khi tới du lịch Pù Luông (Thanh Hóa). Giống vịt này khi chế biến nổi tiếng thơm ngon, thịt chắc, ngọt, ít mỡ, hương vị đặc trưng.
Vịt Cổ lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Vịt Cổ Lũng có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng. Trước đây giống vịt này thường được bà con đồng bào vùng cao ở Bá Thước chăn nuôi nhỏ lẻ ở sông suối, đồng lúa gần nhà, chủ yếu ăn ngô, thóc.
Khu vực vịt Cổ Lũng sinh sống nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giữa các dãy núi Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông, khí hậu quanh năm mát mẻ cùng với đó là các con suối nước trong xanh, sạch sẽ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc suối, cá nhỏ, tôm tép… Nhờ đó, vịt Cổ Lũng được xem là có hương vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loài vịt nào.
Hiện nay, tại Thanh Hóa có một số trang trại đã tập trung nghiên cứu để phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều. Vịt Cổ Lũng được nuôi chăn thả 4 tháng là có thể xuất bán.
Vài năm gần đây, du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh mẽ, nhiều resort, nhà hàng, khu du lịch cộng đồng được thành lập thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, có thể lên tới 150.000 đồng/kg. “Giá vịt Cổ Lũng ngày càng tăng cao do được nhiều người biết tới. Để mua được loại vịt chuẩn không dễ nên thực khách cần tìm nguồn uy tín hoặc nhờ người thân quen. Nhiều du khách từng lưu trú tại khu nghỉ của tôi cũng nhờ tìm đặt loại vịt này để gửi về Hà Nội, Hải Phòng để chế biến”, chủ một khu nghỉ tại Pù Luông cho biết.
Theo anh Vi Văn Tuấn (Pù Luông, Thanh Hóa), bếp trưởng tại một khu nghỉ tại Pù Luông: Giống vịt thuần ở đây hoàn toàn không có mùi hôi. Khi luộc, dù không cho các loại gia vị, vịt vẫn thơm, thịt ngọt, chắc, ít mỡ.
Thịt vịt Cổ Lũng thường được chế biến thành các món như luộc, nướng, quay. Với món vịt nướng, anh Tuấn thường tẩm ướp gừng, xả, gia vị cơ bản như mắm, mì chính, bột nêm và đặc biệt không thể bỏ qua hạt mắc khén và mật ong. Vịt được ướp đều, massage trong 30 phút rồi mang đi nướng.
Tại các khu nghỉ, nhà hàng, vịt thường được nướng bằng lò hoặc than hoa. Nếu du khách ở tại homestay, có thể cùng người dân trải nghiệm nướng vịt trên bếp củi. Khi nướng, lớp mỡ vịt bắt đầu chảy xuống làm than củi thêm đỏ rực, mùi hương tỏa ra thơm phức. Khi chín, thịt vịt chuyển sang màu nâu đỏ cực bắt mắt.
Tháng 11/2020 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng, Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vit-co-lung-thom-ngon-hiem-co-kho-tim-khach-toi-pu-luong-san-lung-thuong-thuc-2080883.html