3 loại hình du lịch mũi nhọn
Được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, Thanh Hóa gắn liền với những di tích văn hóa, lịch sử độc đáo, nét văn hóa làng xã mang đậm dấu ấn đặc trưng của người Việt, cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp nên rất thuận lợi để khai thác du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến chia sẻ, Thanh Hóa có 3 loại hình du lịch mũi nhọn là du lịch biển; du lịch văn hóa, di sản; tâm linh văn hóa. Thanh Hóa có trên 1,5 ngàn di tích được công nhận là di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Theo bà Yến, Thanh Hóa có nhiều lợi thế để phát triển du lịch vì có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Thanh Hóa có 102km bờ biển, có nhiều khu du lịch nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Nghi Sơn… được đánh giá đẹp nhất phía Bắc. Du lịch di sản, tâm linh có Di sản thế giới Thành nhà Hồ, Di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh… Mỗi năm, Thanh Hóa có hơn 300 lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng dân gian, cùng với các lợi thế về hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển hoàn thiện, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Thanh Hóa tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch để có thêm những ý kiến đóng góp nhằm xây dựng, hoàn thiện chương trình, dịch vụ du lịch phù hợp với thị trường ĐNB.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho hay, Thanh Hóa cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tỉnh thực hiện dự án và doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch đến Thanh Hóa.
Ngành du lịch Thanh Hóa cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai Trần Thị Thu Trang cho biết, tỉnh luôn nỗ lực để liên kết, phát triển kinh tế với các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Tới đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai và Thanh Hóa sẽ có những kết nối, chia sẻ thông tin, phát triển du lịch cấp vùng.
Bà Trần Thị Thu Trang mong muốn 2 tỉnh xây dựng những tour cùng kết nối phát triển. Qua những ngày trải nghiệm du lịch Thanh Hóa, bà Trang cho rằng, Thanh Hóa có nhiều điểm du lịch để Đồng Nai học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình kết nối, phát triển du lịch.
Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành đến từ các tỉnh, thành ĐNB như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã chia sẻ những ý kiến, đóng góp cho ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa. Các doanh nghiệp cho rằng, du lịch Thanh Hóa có nhiều sản phẩm ấn tượng, mỗi điểm đến gắn liền với những câu chuyện nhân văn, sâu sắc, để lại dấu ấn trong lòng du khách.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Tourist (Saigontourist) chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Hoàng Nhung cho biết, Thanh Hóa có nhiều lợi thế, tài nguyên và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch của tỉnh Thanh Hóa đa dạng, có thể phát triển các loại hình sản phẩm du lịch từ du lịch biển, đến đồng bằng, miền núi, tâm linh, di sản… Những năm gần đây, Thanh Hóa là điểm đến quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm của Saigontourist.
Từ đầu năm đến nay, Saigontourist khu vực phía Bắc và các tỉnh, thành ĐNB đã đưa trên 3 ngàn lượt khách đến Thanh Hóa. Hiện nay, trong số các sản phẩm nội địa mà Saigontourist đang bán, Thanh Hóa đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Hàng tuần, Saigontourist đều có đoàn khách lẻ đến Thanh Hóa, tham gia tour du lịch kéo dài từ 3 – 4 ngày.
“Để thu hút và phát triển hơn nữa lượng khách du lịch từ vùng ĐNB đến Thanh Hóa, ngành du lịch Thanh Hóa cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, phát triển đa dang sản phẩm mới gắn với tiềm năng, thế mạnh, trong đó phát triển du lịch cảng biển. Saigontourist cũng mong muốn được khảo sát các cảng biển, kết nối nguồn khách quốc tế đến với Thanh Hóa trong thời gian tới” – ông Nguyễn Hoàng Nhung cho hay.
Du lịch Thanh Hóa đang “trúng mánh”
Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Công ty Du lịch Minh Phát (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguồn khách từ TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung đặc biệt yêu thích du lịch phía Bắc, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.
Trong khi đó, Thanh Hóa với hệ thống giao thông đồng bộ, có sân bay kết nối thẳng với TP Hồ Chí Minh. Cộng với việc đa dạng hóa sản phẩm đã tạo nên lợi thế cạnh tranh với các địa phương khác khu vực phía Bắc.
Thông qua chương trình khảo sát, doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh đã có sự nhìn nhận rõ hơn, cụ thể hơn và thấy rằng du lịch Thanh Hóa đang “trúng mánh” bởi rất nhiều sản phẩm du lịch mới phù hợp với đa dạng thị trường khách, phân khúc khách hàng.
Đặc biệt, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông mang đến cho du khách những trải nghiệm xanh, hấp dẫn, sở hữu những điểm chung của du lịch Tây Bắc, song ở đó có những đổi mới mà du khách mong đợi…
Để thu hút nguồn khách từ các thị trường trọng điểm, trước hết doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa cần nghiên cứu, xây dựng chương trình hợp tác quảng bá, xúc tiến, phù hợp nhằm khai thác nguồn khách từ các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ – dòng khách tiềm năng đặc biệt yêu thích du lịch miền Bắc vào những tháng cuối năm. Đây là cơ hội để du lịch Thanh Hóa tiếp tục hoàn thiện sản phẩm “Hương sắc bốn mùa”.