Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có tờ trình về “Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen” gửi Thủ tướng xem xét, chấp thuận việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vị trí cảng hàng không dự kiến tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 45 km về phía Đông Bắc, cách cảng hàng không Pleiku khoảng 73 km về phía Đông Bắc, cách cảng hàng không Phù Cát khoảng 105 km về phía Tây Bắc, cách cảng hàng không Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam.
Khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi, diện tích dự kiến khoảng 350 ha; công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm (được định hướng cải tạo dây chuyền để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030); cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới
Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Măng Đen giai đoạn đầu gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này dự kiến được huy động từ vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng gần 330 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP) khoảng hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 93,4%.
Thời gian hoàn vốn dự án Cảng hàng không Măng Đen dự kiến khoảng hơn 48 năm.
Theo tính toán của tỉnh Kon Tum, quy mô khách du lịch tới Măng Đen dự báo đạt khoảng 2 triệu lượt khách vào năm 2030 và đạt 5 triệu lượt khách đến năm 2045. Nhu cầu vận tải hàng không về hành khách chủ yếu là khách du lịch đến Măng Đen với khoảng 90%. Ngoài ra, việc xây dựng sân bay tại đây là cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, cứu hộ cứu nạn.
Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, sân bay này có mục tiêu chính phục vụ phát triển khu du lịch Măng Đen, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ. Trường hợp khu du lịch Măng Đen được đầu tư xây dựng, phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch để tạo dựng đầy đủ hệ sinh thái các sản phẩm du lịch thì nhu cầu vận tải hàng không có thể đạt được công suất dự kiến khoảng 1 triệu khách/năm.
Sau khi đề xuất được nêu ra, nhiều độc giả bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc xây sân bay sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế Kon Tum, đặc biệt là ngành du lịch khi Măng Đen đang là điểm đến ngày càng thu hút du khách.
“Việc xây dựng sân bay chắc chắn sẽ giúp Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng thu hút được nhiều du khách. Hiện tại, mặc dù địa phương đã khá nổi tiếng nhưng việc di chuyển chưa thuận tiện vẫn là rào cản khiến nhiều người còn ngại ngần khi đến đây. Nếu có sân bay rồi, hạn chế này sẽ được khắc phục. Theo ý kiến cá nhân tôi nên làm sân bay để đưa khách đến gần và biết nhiều hơn du lịch Tây Nguyên, đặc biệt là Kon Tum“, độc giả Nguyễn Minh bày tỏ.
Nickname Mai Lan cũng nêu ý kiến: “Tiềm năng lợi thế du lịch ở Măng Đen là rất lớn. Để tận dụng tiềm năng này thì giao thông có vai trò rất quan trọng. Đề xuất xây dựng sân bay Măng Đen vì thế rất cần thiết và hợp lý. Hiện nhiều địa phương cũng đã có sân bay để bắt kịp với cuộc sống hiện đại. Việc Kon Tum xây sân bay cũng không có gì bất ngờ, thậm chí còn giúp dễ kết nối địa phương với những vùng kinh tế trọng điểm khác trên cả nước“.
PHẠM DUY
Nguồn: https://vtcnews.vn/xon-xao-tranh-luan-ve-de-xuat-xay-san-bay-mang-den-ar911405.html