Đã từ lâu ruộng bậc thang trở thành hình thức canh tác độc đáo, tạo nên nét truyền thống đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc.
Không chỉ ổn định lương thực, trong những năm gần đây, ruộng bậc thang còn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương, tạo đà cho du lịch văn hoá cộng đồng phát triển, tăng sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống người DTTS, góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế – xã hội giữa miền núi và miền xuôi.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống, tập tục của người Mông. (Nguồn: TTXVN) |
Công trình kiến trúc vĩ đại
Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác với nét đặc trưng riêng của cư dân vùng cao trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có đồng bào các DTTS các địa phương vùng núi phía Bắc Việt Nam. Được hình thành và trải dài qua hàng trăm năm những thửa ruộng bậc thang là minh chứng rõ nét về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của các DTTS Việt Nam.
Do địa bàn có địa hình phức tạp, hầu hết là khu vực núi cao, độ dốc lớn, nên trồng lúa ở ruộng bậc thang là hoạt động sản xuất nông nghiệp giữ vị trí, vai trò trong cơ cấu kinh tế của đồng bào DTTS phía Bắc. Thiếu đất bằng phẳng để sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước, vì thế đồng bào DTTS thường chọn các vạt đất không có đá trên triền đồi, sườn núi với diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Nhiều DTTS nắm giữ kỹ thuật làm ruộng bậc thang, điển hình là người La Chí, Dao, Tày, Nùng, Cờ Lao, Phù Lá, Hà Nhì… Ruộng bậc thang được tạo nên từ chính sức lao động, bàn tay, khối óc, kinh nghiệm được tích lũy, công cụ lao động đơn giản như dao, cuốc, xẻng, xà beng, cày, bừa mà không cần đến nhiều sự trợ giúp của máy móc hiện đai.
Mặt khác, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang còn là phương thức canh tác hiếm có trên thế giới, biểu hiện của sản phẩm trí tuệ, chứng minh năng lực chinh phục thiên nhiên và thái độ sống hài hòa thiên nhiên của đồng bào DTTS miền núi phía Bắc. Đồng thời, là vốn quý chứng minh khả năng vượt trội của con người trong việc chinh phục tự nhiên và tư duy sáng tạo, có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những thửa ruộng bậc thang hẹp về chiều ngang những vẫn đủ để cày bừa, thửa ruộng trên nằm chênh với thửa ruộng dưới khoảng cách giữa các thửa ruộng liền kề cao khoảng 1,5m; chỗ cao được người dân ủi bớt đất, chỗ trũng thì bồi thêm đất.
Khác với các đồng lúa vùng đồng bằng, những thửa ruộng bậc thang ở vùng cao ở phía Bắc cứ xếp chồng lên nhau. Từ lớp này đến lớp khác, người xem cảm tưởng giống như những bậc thang bắc lên tận trời xanh. Khi mùa đổ nước, ruộng bậc thang trông như như mặt gương soi cả mây trời xanh ngắt. Đến mùa lúa mới, ruộng bậc thang lại “khoác lên mình” tấm áo xanh mướt, đẹp đến lạ thường. Khi mùa lúa chín, ruộng bậc thang vàng rực trên những sườn đồi, tạo nên cảnh đẹp trù phú và thơ mộng. Vì vậy, ruộng bậc thang là một công trình kiến trúc nghệ thuật đầy tính sáng tạo, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vùng núi phía Bắc, mở ra tiềm năng du lịch đối với đồng bào DTTS nơi đây.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cụm ruộng bậc thang tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia với hơn 2.076 ha nằm trong vùng bảo vệ. Ruộng bậc thang tại Lai Châu hiện đã nằm trong danh mục kiểm kê di sản, tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di sản danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. |
Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Việt Nam là quốc gia có gần 65% dân số sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển du lịch từ thế mạnh của từng vùng. Theo đó, Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, xác định đưa du lịch nông thôn trở thành một chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên phạm vi cả nước, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp nhiều giá trị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đến tất cả các tỉnh, thành phố. Theo bộ trên, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nhiều địa phương ở vùng trung du và miền núi phía Bắc xác định mô hình ruộng bậc thang là một hướng đi chiến lược quan trọng, trở thành sản phẩm du lịch đặc sản, có thương hiệu riêng trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các DTTS.
Hiện nay, nước ta có 3 loại hình du lịch nông thôn cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch canh nông. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vùng trung du miền núi phía Bắc có hơn 215 mô hình du lịch, trong đó mô hình du lịch ruộng bậc thang đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lai đây. Ruộng bậc thang đã gắn bó với văn hóa, nếp sống cũng như việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế từ thửa ruộng của đồng bào DTTS là một trong những vấn đề cần quan tâm, chú trọng.
Tháng Chín là lúc Mù Cang Chải vào thời điểm đẹp nhất trong năm, thời điểm tuyệt vời để các phi công thực hiện những chuyến bay cho khách ưa du lịch mạo hiểm. (Nguồn: TTXVN) |
Ruộng bậc thang không chỉ mang đến giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp thu hoạch được mà là nguồn tài nguyên độc đáo thu hút du khách đến với vùng núi phía Bắc. Đa số địa phương thuộc vùng núi phía Bắc đã và đang tập trung khai thác du lịch ruộng bậc thang vào hai mùa chính trong năm là “mùa nước đổ” (còn gọi là mùa trắng) vào khoảng tháng 4-5, và “mùa lúa chín” (còn gọi là mùa vàng) vào khoảng tháng 9-10. Các lễ hội ruộng bậc thang tổ chức tại nhiều tỉnh, trong đó hoạt động trải nghiệm dù lượn bay trên mùa vàng Mù Cang Chải thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách…
Các hoạt động du lịch hết sức phong phú. Ví dụ như, tại Yên Bái nhằm phát huy giá trị của ruộng bậc thang, từ năm 2015 tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn với tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Mông, nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, sự kiện Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” hàng năm đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hay, vừa qua chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” năm 2023 tại Hoàng Su Phì (Hà Giang) là sự kiện du lịch hấp dẫn thông qua chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa lúa chín ở ruộng bậc thang cùng với khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc với những lễ hội, nghi thức truyền thống như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn huyện lần thứ III, Ngày hội bản em tại xã Bản Phùng, Ngày hội bản Dao, Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao; Lễ cúng cơm mới của dân tộc Dao. Cùng với đó là tour tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, bắt cá chép ruộng tại đồi mâm xôi…
Phát triển du lịch ruộng bậc thang là cơ sở để hệ thống chính trị và đồng bào vùng cao nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, việc mở rộng du lịch đáp ứng nhu cầu việc làm cho người dân, tăng sinh kế, là cơ hội cho đồng bào vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống từ chính những “công trình kiến trúc vĩ đại” được cha ông trao truyền lại.