Tháng 11. Khi những cơn bão vẫn còn lởn vởn đâu xa tít tắp ngoài khơi phía đảo Luzon của Philippines, vịnh Nha Trang có vài ngày nắng. Gió vẫn nhẹ, và mặt nước loang loáng nắng, chúng tôi tìm đến làng bè trên vịnh, để thưởng lãm phong cảnh đẹp mê hồn. Và hát…
1. Một người bạn, biệt danh là anh Tiên hải sản, người Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào Nha Trang sống đã 20 năm và hiểu vịnh Nha Trang như lòng bàn tay mình, đón chúng tôi ở bến đò dân sinh, cách khu đô thị An Viên một quãng không xa lắm. Chiếc thuyền số hiệu 07 Sông Hậu ghé bến, rồi vụt quay đầu sau khi chú tài công phát cho chúng tôi áo phao bảo “các anh mặc vào cho an toàn”. Ngồi trên thuyền, trong bời bời gió và tiếng máy thuyền, dăm ba câu chuyện về làng bè vịnh Nha Trang, nơi có những lồng bè của các hộ dân nuôi hải sản, kinh doanh dịch vụ du lịch cho du khách, được kể thoáng nghe thoáng mất. Nhưng mặt biển xanh biếc và xa xa núi bao bọc, cảm giác ấy là một vùng biển trời quý báu thiên nhiên ban tặng cho thành phố biển nổi tiếng này.
Nha Trang, đã bao lần đến. Nhưng với tôi, hầu như lần nào cũng có chút náo nức. Nhất là khi được chạm bàn tay vào sóng nước biển mặn khi khum tay cúi xuống be thuyền. Làn nước ấy, khiến tôi nhớ đến cuốn sách Hồn biển của người bạn thân thiết, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng viết và in cách đây 2 năm, mà trong lời giới thiệu in trang trọng ở đầu sách, nhà văn Thu Trân đã viết: “Một lần được đến Nha Trang – Khánh Hòa, một lần được cầm tập sách Hồn biển trên tay, với những cảm thức về biển, bạn sẽ thấy yêu rừng vàng biển bạc nước mình biết bao”.
Thì đây, nhóm bạn bè chúng tôi đã đến, dạo trên vịnh Nha Trang một vòng trong nắng buổi sáng, háo hức nhìn ngắm, ghi lại những khuôn hình. Cảm giác mênh mang và thấy dường như biển sống động hơn khi xa gần, vài chiếc ca nô xuôi ngược. Cảm giác ấy, y như lời kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng viết: “Cứ vài tuần, nhớ biển, tôi lại khăn gói từ Sài Gòn ra Nha Trang để thư giãn, thăm bạn bè, tắm biển, vẽ những cảnh đẹp của Nha Trang, con người Nha Trang và các công trình kiến trúc hòa quyện thiên nhiên, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ…”.
Đó có lẽ cũng là cảm giác của chúng tôi vài hôm trước: Nhớ biển!
Khi biển đã trước mặt và biển ở xung quanh, Lê Quốc, một người bạn cùng nhóm, nói rằng ước mai này sẽ đến sống ở nơi này, bởi thiên nhiên hiền hòa, bởi có núi và có biển. Và đặc biệt nhất, là câu chuyện ẩm thực với thực phẩm dồi dào, sạch sẽ. Một câu chuyện rất thiết thực giữa thời buổi quá ư nhộn nhạo chuyện rau cá đổ về các đô thị lớn mà nhiều loại thực phẩm không được sạch bây giờ!
2. Rồi chiếc thuyền cũng cập bến lồng bè Bảy Dũng. Một “ngôi nhà” bập bềnh trên sóng nước, không thiếu loại hải sản nào và nhìn ra mênh mông đến tận chân sóng bờ phía rất xa. Ngước nhìn núi, sau lưng là vịnh thẳm, chỉ xuống khoảng sâu nơi chúng tôi bước lên bè, anh Tiên nói “ở đây sâu 17 mét”.
Đi dạo một chốc khoảng vài chục khung bè quây lại để nuôi các loại hải sản, gồm các loại cá, các loại ốc, mực ghẹ… xong, Hoàng Nam, mà chúng tôi đùa rằng là “nhà lãnh đạo tinh thần” của nhóm, đã kịp bỏ lại túi xách, mặc đồ bơi kèm áo phao nhảy ùm xuống nước. Tôi và một người bạn nhảy xuống theo, y như cách của Nam với lối nhảy ham muốn vẫy vùng. Đó là một cách “chạm” biển và được biển ôm vào lòng mình kiểu… “đã” nhất tôi từng được biết. Hình dung, từ dòng hải lưu êm đềm của vịnh, lùa nhẹ mình đi rồi mải miết sải tay bơi quay trở lại. Đó là một cách biển ôm dịu dàng… những kẻ nhớ biển. Chẳng khác chi mấy hôm trước ở Sài Gòn, lúc Hoàng Nam nhắn tin rằng, “sẽ có chương trình tắm biển ở lồng bè, nhớ đem đồ bơi”, tôi đã thấy hơi rạo rực!
Sóng biển mơn man một hồi. Những cơ thể vốn quen với gió bụi thị thành đã nhuốm hơi biển mặn, chúng tôi leo trở lại lồng bè. Và thấy hiện diện trên bàn là sản vật biển: ốc vú nàng, ốc mặt trăng hấp; một loại ốc khá lạ rất ngon ăn với mù tạt mà Nam tạm đặt tên là “ốc tinh khôi”. Có lẽ thật sự sạch và hơi giòn sần sật như tên bạn đặt chăng? Rồi cá mú, cá bò hòm và ôi chao là mực, dày và chắc. Nó gợi lên bao điều về một khoảnh khắc ẩm thực đặc trưng nhất của làng bè trên vịnh Nha Trang. Tươi sống, hấp dẫn nhưng cũng rất đặc biệt qua bàn tay chế biến của những người đã quá sành sỏi chuyện bếp núc.
Chúng tôi uống vài ly rượu ngâm do anh Tiên đãi. Nhìn ra một khoảng không gian hút mắt xa mờ rồi ánh mắt quay trở lại các lồng bè hàng xóm, tôi hỏi những câu chuyện làm ăn. Mới biết, làng bè này có khoảng hơn một trăm nhà lồng. Cũng có phân định mặt tiền, mặt hậu và hẻm như ở phố. Nhìn những chiếc thuyền máy hay ca nô chạy len lách ra phía sau, Kim Huy, một người bạn cùng nhóm đưa máy lên chụp vài bức hình lúc các thuyền chuyền nước ngọt, bia hoặc các loại rau từ thuyền lên các lồng bè, tôi chợt nhớ lúc Hoàng Nam, khi vừa bước lên tắm lại nước ngọt lúc nãy, đã dặn: “mỗi người ba gáo thôi nhé, ở đây nước ngọt phải chuyên chở từ đất liền ra…”. Câu dặn hơi lửng lơ ấy, và nhìn những chiếc thuyền len lách ấy, tôi càng hiểu thêm một đời sống theo cách riêng biệt, của những người nuôi hải sản kinh doanh lồng bè trên vịnh. May là vào mùa bão tố, vịnh vẫn được che chắn bốn bề bởi núi, một vị thế ít nơi nào có được như với Nha Trang.
3. Trời đã xế. Biển đã dần tím hơn. Sóng cũng đã bớt xao động. Một người bạn tên Nghĩa, là bác sĩ của một bệnh viện lớn nội thành, vừa kịp ra nhập bọn lúc nãy đề nghị thuê thuyền đi câu mực. Đây là một “điểm nhấn” của chương trình đêm trên vịnh Nha Trang. Chiếc thuyền khá lớn trờ tới, chúng tôi lục tục leo qua, không quên đem theo cây guitar và vài món ăn nhẹ. Vậy rồi, thuyền chạy vòng vòng một lượt để chúng tôi kịp ngắm ánh chiều buông xuống vịnh. Trời biển sẫm dần theo tiếng máy. Những chiếc cần câu được chú tài công và “lơ thuyền” phân phát. Mồi câu là một thứ nhuyễn thể nhỏ li ti, dây câu dài có thể quăng xa hơn chục mét, rê theo mặt nước lăn tăn sóng nhẹ. Buổi câu đêm này, chúng tôi không được may mắn lắm, rốt lại chỉ được một chú mực. Nhưng không sao, cái chính là sự trải nghiệm một thú vui trên vịnh, với trời nước bao la và gió. Với tiếng hát ngập tràn quyện với tiếng guitar trong đêm biển vắng. Dào dạt cảm xúc. Ấm áp bạn bè.
*
Chúng tôi trở lại bến đò dân sinh vào quãng gần 9 giờ tối. Một ngày qua đi đằm mình với vịnh Nha Trang còn xen lẫn tiếng cười. Mới hay, dù chỉ một khoảng thời gian ngắn ấy, song cảm thức của mỗi người đều có ý muốn níu giữ bước chân mình lại với biển, khi rời thuyền.
Đó có lẽ là câu chuyện về kỷ niệm một ngày với vịnh Nha Trang, mà chúng tôi sẽ còn nhớ rất lâu, bởi chúng vẫn còn lại trong những khung hình…
Nguồn: https://thanhnien.vn/mot-ngay-o-long-be-vinh-nha-trang-185241116112032771.htm