Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân đồng chủ trì hội nghị.
Đa dạng các loại hình du lịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cho biết, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, có vị trí đắc địa, vừa là cửa ngõ của du lịch tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6, đồng thời kết nối với tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng, Lào qua cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập.
Những đặc trưng khí hậu, địa hình, địa chất đã tạo nên vẻ đặc sắc của Mộc Châu. Không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã trở thành “đặc sản”, thành tiềm năng, nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá để phát triển du lịch.
Trong quá trình phát triển và khai thác thời gian tới, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong sử dụng tài nguyên du lịch cũng như những vấn đề về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phát triển đô thị, cũng như những vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, an ninh an toàn cho khách du lịch…
Do đó, tỉnh Sơn La mong muốn tham vấn giải pháp định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế, quy mô và tầm vóc của khu du lịch quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, hạn chế thấp nhất những tác động không mong muốn và bài học kinh nghiệm từ các khu du lịch quốc gia khác.
Tại hội nghị, các chuyên gia du lịch đã chia sẻ tình hình phát triển du lịch ở một số địa phương, bài học kinh nghiệm và những khuyến nghị đối với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; cách thức xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” cũng như giải pháp chuyển đổi số cho khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Ông Nguyễn Đạo Dũng, Trưởng phòng Quản lý lữ hành – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, để triển khai có hiệu quả Quyết định của Bộ VHTTDL về việc công nhận Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đồng thời phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Bắc, trong nước và quốc tế, UBND huyện Mộc Châu, Vân Hồ và UBND tỉnh Sơn La cần xác định rõ định hướng phát triển không gian tổng thể, phân vùng theo khu vực gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có trọng tâm, trọng điểm. Với mỗi phân vùng cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên – tài nguyên văn hóa).
Nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống đô thị (Mộc Châu, Vân Hồ) gắn với phát triển du lịch, trong đó cần bảo vệ phát triển các không gian xanh, đồi chè, đồng cỏ trong đô thị. Phát triển các dịch vụ du lịch, lưu trú khách sạn, homestay, vui chơi giải trí đa dạng, không gian hài hòa với cảnh quan cây xanh, mặt nước, địa hình tự nhiên. Tập trung hình thành 3 trung tâm du lịch trọng điểm trong Khu du lịch quốc gia, gồm: trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm vui chơi giải trí.
Chia sẻ về giải pháp chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, bà Phan Thị Thái Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đề nghị trong thời gian tới, địa phương cần triển khai chuyển đổi số theo hướng đồng bộ với hệ sinh thái của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 82 Chính phủ và Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức kết nối, chia sẻ thông tin về du lịch Mộc Châu trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và phổ biến sử dụng rộng rãi ứng dụng để hỗ trợ toàn diện cho khách du lịch từ tìm kiếm thông tin, tra cứu bản đồ số, đặt dịch vụ, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan chức năng…
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần xác định rõ định hướng phát triển không gian tổng thể, phân vùng theo khu vực gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có trọng tâm, trọng điểm trong quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề như sản phẩm du lịch nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, trải nghiệm, giáo dục môi trường. Tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý môi trường du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý điểm đến thông minh. Triển khai chuyển đổi số theo hướng đồng bộ với hệ sinh thái của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đánh giá cao tiềm năng du lịch Mộc Châu có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch, địa phương có thể nghiên cứu áp dụng các tour mẫu do các doanh nghiệp đề xuất tại hội nghị.
Xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định việc công nhận khu du lịch quốc gia mở ra con đường đi mới cho du lịch Mộc Châu phát triển bền vững, khai thác tiềm năng du lịch trong đóng góp kinh tế tỉnh.
Với mong muốn Khu du lịch quốc gia Mộc Châu phát triển theo hướng xanh và bền vững ngay từ những bước đầu tiên, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Sơn La cần quan tâm đến hoàn thiện cơ chế, chính sách, quản lý phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu phù hợp với các quy hoạch đã được ban hành; phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, áp dụng các hình thức phát triển du lịch “Net zero” hướng đến phát triển bền vững.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cần tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Quan tâm đến việc xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh riêng có của Mộc Châu – Vân Hồ. Đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Sơn La có thế mạnh (du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, hội nghị – hội thảo – sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe, du lịch thể thao).
Bên cạnh đó cần làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, bố trí nguồn lực phù hợp, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp, phối hợp với Bộ VHTTDL tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia có quy mô, hiệu quả, tạo đột phá về nhận diện thương hiệu, hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch Mộc Châu, Sơn La trên nhiều nền tảng. Bám sát phương châm đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP là “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị tỉnh Sơn La cần tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết trong tỉnh, liên vùng, liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước, liên kết với quốc tế; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn để đầu tư cho phát triển du lịch Sơn La nói riêng, du lịch Tây Bắc nói chung.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch, thiết lập liên minh bán sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch Sơn La, CLB UNESCO và các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bên cạnh đó là không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ấn phẩm du lịch của Sơn La – Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.