Dự phiên khai mạc về phía lãnh đạo Trung ương có ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam; bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; đại diện lãnh một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Đắc Nông, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hải Phòng.
Đại biểu Tổ chức UNESCO có các ông, bà: Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên; Nikolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Điều phối viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Guy Martini, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
Về phía lãnh đạo tỉnh Cao Bằng có ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng; ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị. Đại diện Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ban ngành; các thành viên Ban Tổ chức Hội nghị và hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị.
Các đại biểu dự Phiên khai mạc Hội nghị
Bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững
Tại Phiên khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chia sẻ: Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Từ đó đến nay, Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới. Tháng 9/2022, tại Hội nghị APGN lần thứ 7 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Satun, Thái Lan, CVĐC Non nước Cao Bằng vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai Hội nghị APGN lần thứ 8. Việc đăng cai Hội nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới CVĐC Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới CVĐC khu vực và toàn cầu; đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cao Bằng được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị, trong đó 102 di tích được xếp hạng (03 di tích Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp Quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật Quốc gia, hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được tư liệu hoá, trong đó có 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị
CVĐC Non nước Cao Bằng là nơi lưu giữ những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi trên 500 triệu năm của trái Đất. Hoạt động địa chất qua hàng trăm triệu năm đã kiến tạo nên dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức độc đáo, đa dạng, cùng với hệ thống hang động, sông ngòi phong phú, trong đó nổi bật là thác Bản Giốc; Danh thắng động Ngườm Ngao; Quần thể hồ Thăng Hen với hệ thống hang động ngầm có giá trị quan trọng trong nghiên cứu khoa học,… Bên cạnh đó, nơi đây còn chứa đựng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật, 58 loài động vật quý hiếm….
Đến với CVĐC Non nước Cao Bằng, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành địa chất và nền văn hóa đậm đà bản sắc thông qua bốn “tuyến đường trải nghiệm” với những giá trị đặc trưng, riêng biệt. Tỉnh Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Phiên khai mạc, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Di sản CVĐC toàn cầu là tài sản vô giá của loài người, hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã góp phần tích cực vào bảo vệ trái đất và nhân loại cho hành tinh. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, quản lý, học giả từ các nước CVĐC có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện xây dựng, vận hành và phát huy vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt xây dựng và kết nối du lịch CVĐC giữa các quốc gia trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới; gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch hướng đến sự phát triển bền vững.
“Cao Bằng đã chọn mô hình CVĐC là hướng đi đúng đắn. CVĐC Non nước Cao Bằng đã làm tốt các khuyến nghị của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững; bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế xanh”- ông Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị
Chung tay chống biến đổi khí hậu
Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên cho biết: Hội nghị diễn ra tại thời điểm Cao Bằng và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề về thiên tai do áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 3 gây ra sạt lở, lũ quét ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của con người.
Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Cao Bằng trong công tác chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức Hội nghị và nỗ lực cao trong công tác khắc phục những tổn hại nghiêm trọng từ siêu bão Yagi.
Bà Lidia Brito cho rằng: Nhiệm vụ đặt ra cho các thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đến với hội nghị không chỉ tham gia diễn đàn thảo luận, trao đổi, chia sẻ, học tập từ “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC”, mà còn phải thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với xây dựng các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại. Nhấn mạnh việc chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ cấp bách cho CVĐC của mỗi quốc gia. Bởi chống biến đổi khí hậu là một hành trình dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của các quốc gia trên thế giới trong đó có các nước có danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO; phải có kế hoạch chung hướng đến giảm phát thải trên toàn cầu, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa vì thế hệ hôm nay và mai sau. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng là một mô hình CVĐV có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả và mới cách đây 2 ngày, CVĐC tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) vừa được Hội đồng chuyên gia quốc tế biểu quyết gia nhập Mạng lưới.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO là tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc về lĩnh vực khoa học trái đất; tích cực thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, mạng lưới CVĐC toàn cầu còn là cộng đồng tăng cường gắn kết giữ gìn và bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc biệt – di sản địa chất gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì sự phát triển của cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực. Ngay trước thềm hội nghị Việt Nam đã hứng chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Thảm họa thiên tai đưa ra vấn đề cấp bách phải có giải pháp, chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết: Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc châu Á – Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên tinh thần đó, đề nghị Hội nghị cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC vì phát triển bền vững; tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC toàn cầu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển CVĐC toàn cầu gắn với phát triển bền vững; thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu – một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại phiên Khai mạc Hội nghị
Sau Phiên khai mạc sẽ diễn ra các phiên hội thảo chuyên đề; Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.