Phố cổ Hội An được ví như nhan sắc mặn mà, đằm thắm của một người đàn bà cũ. Ai đã đến thể nào cũng nhớ và muốn quay trở lại. Khu phố cổ Hội An, xưa có tên là Hoài Phố (Phố bên sông Hoài), vì nhờ con sông Hoài chảy qua thành phố, mở đầu cho sự ra đời thương cảng Hội An một thời sầm uất, thịnh vượng. Sông Hoài là dòng chảy tách ra từ sông Thu Bồn, nhập vào cửa biển lớn Hội An (cửa Đại), để cho tàu thuyền các nước vào ra, buôn bán. Nhà phố, cửa hàng mọc lên san sát bên dòng sông nhấp nhô mái ngói đỏ tươi. Nhưng rồi, thời gian trăm năm sông cạn, biển vơi.
Trải nghiệm phố Hội An cùng Vietnam.vn, thông qua bộ ảnh “Hoài Phố” của tác giả Phan Văn Sơn sẽ cho quý vị thấy một Hội An trầm mặc vào ban ngày nhưng vô cùng lung linh rực rỡ vào ban đêm. Bộ ảnh được tác giả tác giả gửi đến tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Ban ngày, góc phố nào của Hội An cũng lung linh trong nắng không khác gì những bức tranh đẹp. Những mái ngói xếp chồng, lớp lang tự nhiên, đã trở thành nhịp điệu riêng của Hội An. Các nhà nhiếp ảnh thường ngỡ ngàng mỗi khi chụp những mái nhà, lô xô những viên ngói âm dương xanh mốc khi bình minh lên.
Điều kỳ diệu của phố cổ một phần được thể hiện ở những mái ngói âm dương màu đỏ, gắn liền với nghề gốm của Hội An. Có thể nói đường phố Hội An hình thành bao nhiêu năm thì nghề gốm Hội An cũng được hình thành cùng thời trên sông Thu Bồn. Làng gốm Thanh Hà, cách khu phố cổ chừng hơn hai cây số, nơi đóng góp làm nên hình dáng thơ mộng của thành phố Hội An bên sông Hoài. Nghề gốm ra đời song song bên cạnh nghề làm đèn lồng ở Hội An. Nguồn đất đỏ nơi đây như có keo dính, chuốt đến mịn như nhung, trên mọi sản phẩm.
Ai đi dạo trên phố cổ đều có thể cảm nhận được gốm qua những ngôi nhà nghiêng nghiêng soi bóng trên sông. Những viên gạch tường lỗ chỗ bị phủ rêu, hay mái ngói cũ kỹ sứt mẻ làm tổ cho chim sẻ. Đó chính là hình ảnh của gốm Thanh Hà lịch sử trăm năm xưa. Khi chúng tôi đến khu công viên gốm Thanh Hà, thật sự ngỡ ngàng với tài nghệ của những nghệ nhân gốm một thuở huy hoàng.
Nhưng về đêm lại khác. Hội An trầm mặc dưới ánh trăng. Hội An lại đẹp ở những góc tối. In thẫm qua góc tường và dưới mái hiên mơ màng trong giấc mộng. Nhưng người Hội An còn biết cách thể hiện cho con đường phố của mình lung linh hơn dưới ánh sáng đèn lồng. Họ đã nghĩ ra một sáng kiến, tất cả mọi nhà đều tắt điện, chỉ được thắp đèn lồng, vào đêm rằm hàng tháng. Những chùm đèn hoa ngũ sắc tạo nên một lễ hội ánh sáng kỳ ảo làm cho đường phố Hội An có một nhan sắc riêng. Mộng mị. Thần tiên.
Đã hàng chục năm nay, đêm rằm nào cũng thế, du khách lại nhộn nhịp đến du thuyền, thả hoa đăng và dạo phố đèn lồng. Khi nói đến phố cổ Hội An, thường phải nhắc tới đèn lồng, bên cạnh biểu tượng Chùa Cầu của thành phố. Đặc biệt là nghề làm đèn lồng phát triển trở thành thương hiệu của Hội An. Nghĩa là đã hơn 300 năm trước đây, chỉ có những gia đình người Hoa treo đèn lồng vào mỗi dịp lễ hội, tưởng nhớ đến quê nhà.
Phố cổ Hội An-Di sản văn hóa thế giới nằm bên dòng sông Hoài thơ mộng. Phố cổ Hội An không chỉ có những công trình kiến trúc cổ mà còn mang những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Hội An thu hút du khách muôn phương từ vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong, những di tích lịch sử-văn hóa hàng trăm năm tuổi, những hoạt động văn hóa –nghệ thuật truyền thống đặc sắc và cả trong nét văn hóa ứng xử nhân tình thuần hậu của con người nơi đây.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn