Theo thông báo của Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – đơn vị quản lý và khai thác Ga Đà Lạt, kể từ 0 giờ ngày 1-10, tại Ga Đà Lạt sẽ áp dụng giá vé 50.000 đồng/người/lượt cho người lớn (trên 6 tuổi), miễn phí vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1,32 m) và người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của Chính phủ.
Giá vé này chỉ có giá trị tham quan, vui chơi và sử dụng một số dịch vụ miễn phí trong khu di tích kiến trúc Ga Đà Lạt, không bao gồm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch bằng tàu hỏa Đà Lạt – Trại Mát.
Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn lý giải việc tăng giá vé này nhằm huy động các nguồn lực, bổ sung kinh phí để thực hiện việc duy tu, sửa chữa, tôn tạo nhà ga cho phù hợp với công trình kiến trúc cấp quốc gia và nâng cao hình ảnh ga du lịch cũng như tăng thêm các tiện ích phục vụ du khách đến với Ga Đà Lạt.
Hiện nay để vào tham quan Ga Đà Lạt, người dân chỉ tốn 5.000 đồng/người.
Ga Đà Lạt có nguy cơ “vắng như chợ bà Đanh”?
Chị Lan, một người dân TP Đà Lạt tỏ ra khá bất ngờ với việc Ga Đà Lạt sắp tới sẽ áp dụng mức giá 50.000 đồng/khách vào tham quan, tăng gấp 10 lần hiện nay. Trong ga cũng không có dịch vụ gì ngoài việc chụp ảnh với tàu hay tham quan kiến trúc ga cổ. Các dịch vụ khác như cà phê, đi tàu Đà Lạt – Trại Mát đều phải trả phí riêng.
“Nếu buộc khách mua vé này thì phải tăng thêm tiện ích cho phù hợp nhưng bây giờ mọi thứ vẫn vậy. Nếu lựa chọn, tôi dùng 50.000 đồng ấy cũng gần bằng tiền uống cà phê ở Thủy Tạ hoặc trải nghiệm đạp vịt ở hồ Xuân Hương” – chị Lan nói.
Ông Tưởng Hữu Lộc, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Lâm Đồng, nhận định Ga Đà Lạt khi được công nhận là điểm du lịch thì nơi này phải áp dụng theo quy định về du lịch. Tuy nhiên, thông báo này có thể gây “sốc” không chỉ cho người dân, du khách và cả các đơn vị lữ hành.
Theo ông Lộc, từ trước đến nay, người dân và du khách đã rất quen với giá cũ, nay đột ngột áp dụng như thế thì có cảm giác như không tôn trọng khách hàng, vì nếu muốn tăng giá thì phải có lộ trình để mọi người dần thích nghi.
Hơn nữa, thông thường các tour lữ hành thường chào bán cho du khách ít nhất 2 đến 3 tháng hoặc cả năm. Nay bất ngờ áp dụng giá như vậy, đơn vị kinh doanh khó có thể yêu cầu khách chi thêm tiền.
“Bây giờ, đơn vị bán tour đã bán giá như vậy, giờ đưa khách vào thì tốn tiền vé, nếu đưa vào 1.000 khách thì doanh nghiệp bán tour phải tự gánh 45 triệu đồng. Việc này sẽ có nguy cơ đơn vị lữ hành sẽ phải thay đổi địa điểm, trong đó có thể loại trừ Ga Đà Lạt ra khỏi lịch trình tham quan của khách”.
Đại diện một doanh nghiệp du lịch khác thì đánh giá việc áp dụng giá này thì phía quản lý Ga Đà Lạt lẫn đơn vị lữ hành đều có thế khó của mình. Trong đó, khi Ga Đà Lạt được công nhận là điểm du lịch thì đơn vị quản lý phải áp dụng quy trình vận hành, đào tạo nhân viên, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất… theo quy định của Luật Du lịch. Và những việc này đều cần đầu tư vốn, đó là thế khó của đơn vị quản lý.
Còn về người dân, du khách và doanh nghiệp lữ hành đã quen với giá cũ khi Ga Đà Lạt chưa phải là điểm kinh doanh du lịch. Bây giờ áp dụng giá tham quan bất ngờ như vậy có thể khiến mọi người bỏ địa điểm nổi tiếng này khỏi kế hoạch du lịch của mình.
Ga Đà Lạt là điểm đầu phía Lâm Đồng của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km nối với Lâm Đồng với Ninh Thuận, là 1 trong 2 tuyến đường sắt răng cưa được xây dựng trên thế giới (đường sắt răng cưa còn lại ở Thụy Sĩ).
Nhà ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển, được xem nhà ga đường sắt đẹp nhất Việt Nam.
Ngày 21-6, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định số 1061/QĐ-UBND công nhận Điểm du lịch “ga đường sắt Đà Lạt”. Hiện tại ở đây có khai thác tuyến tàu du lịch Đà Lạt – Trại Mát dài hơn 7km.