Theo ông Trần Xuân Dưỡng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Mù Cang Chải, khu bảo tồn có tổng diện tích 20.108,2 ha, nằm trên địa giới hành chính của 5 xã: Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình và Lao Chải.
Hiện khu hệ thực vật rừng ở khu bảo tồn có tổng số 764 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 462 chi, 149 họ và 5 ngành; thảm thực vật chủ yếu là các loài cây lá rộng thường xanh. Hệ động vật có xương sống trên cạn là 221 loài, 162 giống, 61 họ; trong đó có 53 loài thú, 130 loài chim, 26 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư.
Đặc biệt, trên 4.000 cây thiết sam Đông Bắc và cây pơ mu cổ thụ tại khu vực Tà Cay Đằng, thuộc địa phận bản Nả Háng, xã Chế Tạo nằm trong khu bảo tồn vừa được gắn biển công nhận Cây di sản Việt Nam. Trong số này có trên 1.000 cây thiết sam có độ tuổi từ 400 đến 800 năm, đường kính từ 2,5 m đến 5,8 m hoặc to hơn; trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, hầu hết trên 100 năm tuổi, một số cây có đường kính trên 2 m, trên 1.000 cây có đường kính từ 1 – 1,8 m, chiều cao từ 15 – 20 m.
“Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là nơi rất giàu tiềm năng về du lịch sinh thái với vẻ đẹp hoang sơ, nét đặc sắc về văn hóa bản địa và của những con đường quanh co đi tới các bản người Mông, ngày càng thu hút du khách đến địa phương”, ông Dưỡng cho biết.
Trong khu bảo tồn còn có trên 17.000 ha rừng đặc dụng tại các xã Chế Tạo, Lao Chải, Nậm Khắt giáp ranh với hai tỉnh Lai Châu và Sơn La. Đây là phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt, có loài vượn đen tuyền sinh sống nên việc phối hợp với các ngành có liên quan của các tỉnh giáp ranh như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang luôn được đặt lên hàng đầu nhằm bảo vệ rừng đặc dụng và loài vượn quý.
Tuy nhiên, ông Dưỡng chia sẻ: “Diện tích khu bảo tồn đã được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2006 và được UBND tỉnh giao đất để quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng. Thế nhưng, từ khi thành lập đến nay, việc đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ chưa được thực hiện, do vậy chưa đảm bảo yêu cầu về quản lý rừng bền vững”.
Ngoài ra, cơ sở vật chất đầu tư phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng cho khu bảo tồn còn thiếu; chưa thu hút, kêu gọi được sự hỗ trợ, đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đệm. Đời sống của đồng bào các địa phương trong khu bảo tồn còn nghèo, chủ yếu dựa vào rừng để khai thác, săn bắn động vật hoang dã nên hàng năm vẫn xảy ra một số vụ vi phạm luật Lâm nghiệp.
Ông Sùng A Dinh, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo, cho biết xã đã thành lập các nhóm, tổ bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; hàng năm 100% hộ dân đều ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không khai thác, săn bắn động vật hoang dã.
Để huy động sự chung tay, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải nhiều năm qua đã thực hiện tốt chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhằm hỗ trợ đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng trong khu bảo tồn; truy quét và xử lý kịp thời đối với các đối tượng vi phạm luật Lâm nghiệp…, góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển hệ thực vật và thảm thực vật rừng đa dạng sinh học bậc nhất ở vùng Tây Bắc.
Thanhnien.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/di-san-cua-rung-o-yen-bai-185241022201032871.htm