Sau 22 giờ, du khách sẽ làm gì?
Chiều 5-6, UBND TP Đà Lạt phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình tạo đàm với chủ đề Phát triển du lịch TP Đà Lạt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch, chuyên gia và các đơn vị liên quan.
Các đại biểu đánh giá Đà Lạt có nhiều lợi thế đặc biệt mà không nơi nào có được như khí hậu mát mẻ quanh năm, thực phẩm, con người hiền hòa…
Trình bày tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Quân Quy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại GreenHills, đưa ra ý tưởng về chợ nông sản kết hợp với du lịch tại khu phía Đông của TP Đà Lạt, hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo tại vùng ven. Thành phố cũng cần phát triển một tuyến xe buýt du lịch nối Đà Lạt với khu vực Cầu Đất để đáp ứng nhu cầu di chuyển cũng như an toàn cho nhóm du khách có sở thích săn mây – vốn là một “đặc sản” nổi tiếng của Đà Lạt.
Ông Duy Đoàn, đại diện Hiệp hội tại KODPIA tại Việt Nam, cho biết tháng 3 vừa rồi có sang Hàn Quốc làm việc với đài KBS – đài truyền hình lớn nhất của Hàn Quốc, về tổ chức chương trình đại nhạc hội tại Đà Lạt với chi phí khoảng 5 triệu USD. Phía đài KBS có đưa 3 đoàn khảo sát đến và đánh giá rằng sân vận động Đà Lạt là nơi đáp ứng yêu cầu địa điểm.
Tuy nhiên, cả 3 đoàn này đều có chung ý kiến phản hồi rằng Đà Lạt đang thiếu “8 giờ vàng” từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. “Những người đi xem show ca nhạc không chỉ xem ca nhạc, chúng ta tổ chức cũng chỉ đến 22 giờ hoặc 23 giờ là hết. Vậy sau đó họ sẽ làm gì?” – ông Duy Đoàn nêu câu hỏi.
Ông Duy Đoàn kể tiếp 3 đoàn khảo sát của Hàn Quốc ở khách sạn 5 sao, sau giờ đó họ đi bộ một vòng ra đường nhưng khó khăn để mua được nhu yếu phẩm mình cần. Đối với du khách quốc tế, chuyện chi phí không phải vấn đề nhưng Đà Lạt đang thực sự không khai thác được “8 giờ vàng” trong phát triển kinh tế ban đêm cho ngành du lịch. Trong khi đó, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có các thành phố du lịch rất phát triển kinh tế đêm.
Vấn đề tiếp theo, qua thời gian trải nghiệm rất nhiều loại hình dịch vụ lưu trú ở Đà Lạt, các đại biểu dự buổi tọa đàm nhận thấy nền dịch vụ của Đà Lạt không cạnh tranh được với Nha Trang, Đà Nẵng hay thậm chí là Phú Quốc mặc dù Phú Quốc có lượng khách chỉ bằng 1/5 so với Đà Lạt.
Đồng tình với ông Duy Đoàn, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, đại diện Công ty du lịch Viettravel tại Đà Lạt, cũng cho rằng việc Đà Lạt đang có tình trạng cạnh tranh về giá chứ không phải bằng chất lượng sản phẩm làm cho du lịch Đà Lạt đi xuống.
Một thực tế khác, ông Nghĩa đánh giá du lịch thành phố rất đa dạng sản phẩm nhưng lại không chuyên sâu và chưa thực sự chuyên nghiệp. “Việc copy về tour, về sản phẩm đang rất dễ dàng. Hôm nay tôi mở tour mang tính đặc trưng nhưng hôm sau một công ty khác copy y chang. Họ không cần bỏ chất xám ra nhưng thấp hơn về giá vì bớt đi cái gì đó để làm sao bán được tour với giá rẻ hơn”.
Cần định vị lại thương hiệu du lịch Đà Lạt
Về nguồn khách, ông Lê Nghĩa đánh giá hiện nay Đà Lạt đang quan tâm rất nhiều về khách Hàn Quốc nhưng ông cho rằng Hàn Quốc không phải thị trường quan tâm nhiều đến Đà Lạt. Du khách các nước Đông Nam Á có khí hậu nóng như Thái Lan, Singapore, Malaysia mới thực sự thích Đà Lạt.
“Đặc trưng của Đà Lạt rất hấp dẫn với xứ nóng. Để khai thác được nguồn khách cao cấp quốc gia khác thì phải định hình lại nhóm khách hàng nhằm có chiến lược, xây dựng hướng tiếp cận và cung cấp dịch vụ chiều sâu hơn. Từ đó chúng ta không phải lo lắng về nguồn khách và phụ thuộc vào thị trường nào”.
Góp ý phát triển du lịch Đà Lạt, PGS-TS Nguyễn Văn Anh, Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Đà Lạt, chia sẻ nếu trước đây, để đi du lịch Đà Lạt thì du khách mang cảm giác “cao cấp” nhưng theo thời gian phát triển, chi phí du lịch cũng đang xuống thấp hơn, trong đó có câu chuyện cạnh tranh giá cả nêu trên.
“Điều đó làm chúng ta hàng năm đón hàng triệu du khách nhưng tổng nguồn thu không lớn. Có lẽ chúng ta cần phải định vị lại. Đón lượng khách ít hơn nhưng với mức chi và chất lượng dịch vụ tương xứng hơn để định vị thương hiệu của mình” – PGS-TS Nguyễn Văn Anh phát biểu.
Bên cạnh đó, Đà Lạt cần chính sách thu hút những “sếu đầu đàn” có tiềm lực lớn mạnh đến đầu tư, tạo ra hệ sinh thái lớn, sau đó lan tỏa tạo nên sản phẩm du lịch thương hiệu cao cấp cho địa phương.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết thành phố cũng đã tính toán việc phát triển kinh tế ban đêm. Các sở ban ngành cũng hướng dẫn làm sao cho hợp lý vì Đà Lạt có những đặc thù về khí hậu, thời tiết. Nếu phát triển kinh tế đêm thì phải tính toán rất kỹ, nhưng thành phố quyết tâm thực hiện được.
Ông Trình thông tin Đà Lạt đang trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch 704, sắp tới có những khu du lịch rất lớn, đầu tư rất bài bản nhưng phải đấu giá. Cuối quý II năm nay sẽ có nhiều khu đất được đấu giá để xây dựng khách sạn, nếu các nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ thành phố nắm thông tin, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa.
Ông Trình đánh giá những ý kiến đóng góp tại tọa đàm rất tâm huyết, thành phố tiếp thu và áp dụng trong quá trình phát triển ngành du lịch.
Du lịch sức khỏe là 1 gợi ý cho Đà Lạt
PGS-TS Nguyễn Văn Anh gợi ý sau dịch COVID-19, du lịch chăm sóc sức khỏe là một chủ đề đang rất được quan tâm, tiềm năng còn rất lớn với doanh thu thống kê năm 2022 lên đến 820 tỉ USD và dự báo đến 2028 khoảng 1.200 tỉ USD.
Đà Lạt đang có lợi thế rất lớn về khí hậu, thực phẩm, cảnh quan, con người… để phát triển du lịch sức khỏe. Để tránh việc manh mún, mạnh ai nấy làm thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng tạo ra các dòng sản phẩm thể hiện được đặc trưng và lợi thế của Đà Lạt.
Nguồn: https://nld.com.vn/da-lat-thieu-8-gio-vang-trong-phat-trien-du-lich-196240605205422716.htm