Hàng trăm khúc gỗ thô ráp hay đồ dùng cũ kỹ đã được anh Tăng Minh Thuận (35 tuổi, trú thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chạm trổ thành tranh khắc gỗ sống động.
Thợ điện cơ thành nghệ nhân tranh khắc gỗ
Anh Thuận sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lên lớp 10 anh nghỉ học đi làm thuê cho cửa hàng điện cơ.
Năm 2008, trong một lần đi giao máy nén hơi, anh mê mẩn khi thấy vị khách của mình đang điêu khắc hình con rồng.
Để thỏa mãn sự thích thú của mình, anh tìm đến các điểm buôn phế liệu mua sắt thép cũ mài giũa làm dụng cụ điêu khắc.
Mày mò những bước đi đầu tiên, anh hết tìm quanh vườn nhà lại ra khe suối gom các khúc gỗ “đầu thừa đuôi thẹo”, hì hục đục đẽo nơi góc sân nhỏ của mình.
Những ý tưởng cứ liên tục xuất hiện trong đầu kéo anh chạy theo khiến nhiều hôm quên ăn quên việc ở cửa hàng.
“Ban đầu mới tập tành, mình thấy cây nào gỗ mềm lấy dụng cụ ra chạm khắc, thậm chí cây còn sống quanh vườn. Có bữa cây mận trước sân nhà của người anh ruột bị bão quật gãy, mình tạc hình ông tiên vuốt râu. Ông anh thấy mặt tượng nhìn thẳng vào nhà ghê quá quát một trận” – anh Thuận nhớ lại.
Năm 2012, anh Thuận nghỉ việc ở cửa hàng điện cơ, tập trung vào ngành khắc gỗ. Ngoài chạm tranh khắc gỗ, anh Thuận còn điêu khắc các hình, tượng theo nhu cầu khách hàng.
Theo anh Thuận, nguyên vật liệu anh nhắm đến là gỗ lũa dọc sông suối, hay những đồ dùng cũ của người dân như: cối, chày, trụ trồng tiêu, cột nhà, thớt, máng heo…
Đối với anh, những loại gỗ này vừa có giá thành thấp vừa dễ kiếm, tiết kiệm tài nguyên và chất lượng rất tốt.
Lối điêu khắc độc, lạ
“Thường người ta khắc xong dùng lửa để khò, nếu xử lý không tốt sẽ kém chân thật. Đối với mình, để bức tranh trở nên cổ hơn phải trải qua nhiều công đoạn” – anh Thuận chia sẻ.
Theo anh, sau khi chạm khắc sẽ đổ xăng lên bức tranh rồi đốt. Ở công đoạn này, bức tranh cần đặt nằm ngang trên mặt phẳng, còn đặt nghiêng tranh bị cháy lẹm ngay.
Tiếp đến, dùng xăng trắng chuyên cho ngành gỗ pha với tinh bột màu đen theo đúng tỉ lệ đánh nhẹ lên mặt tranh. Khi tranh khô ráo mình dùng giấy nhám đánh tạo độ sáng tối… mới có gam màu cổ theo thời gian nhưng chân thật, có thần hơn.
Anh Thuận cho hay nghề chạm khắc cần sự khéo léo, óc sáng tạo và đôi mắt nghệ thuật. Đặc biệt, người thợ phải biết tận dụng hình dạng, màu sắc… của khối gỗ để tạo ra hình hài sống động.
Chị Phan Kiều Thương (38 tuổi, TP Kon Tum, người kinh doanh gỗ mỹ nghệ) cho hay anh Thuận có lối chạm khắc đặc biệt với nhiều thể loại và chủ đề khác nhau. Từng chi tiết tác phẩm của anh Thuận được chế tác tinh xảo khiến chị thích thú đặt hàng vào kinh doanh, nhất là chủ đề về Tây Nguyên.
Theo chị Thương, anh Thuận chế tác hoàn toàn thủ công, độc bản và mang đậm phong cách, dấu ấn cá nhân.
Đặc biệt, anh Thuận thường chạm khắc tranh chân dung những già làng, người mẹ, phụ nữ và trẻ em Tây Nguyên. Thể loại tranh này khó chế tác bởi phụ thuộc vào thần thái trên khuôn mặt, đòi hỏi nghệ nhân cần điêu khắc tỉ mỉ từng chi tiết, từng rãnh nếp nhăn…
“Khách hàng ưng ý lắm, ai cũng khen độc đáo, gọi là tả thực, nhìn ngoài đời sao là vào tranh y như vậy” – chị Thương bộc bạch.
Dạy nghề miễn phí, bán tranh làm thiện nguyện
Những năm qua, anh Thuận đã dạy nghề miễn phí cho hàng chục người dân tộc thiểu số, giúp họ có việc làm, kiếm thêm thu nhập. Hiện anh vừa mở thêm xưởng chế tác ở xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy để dạy nghề cho nhiều bạn có nhu cầu, đam mê chạm khắc.
Ngoài ra, mỗi năm anh Thuận bán ra vài bức tranh tạo quỹ làm thiện nguyện, giúp đỡ những người yếu thế ở địa phương.
Ông Châu Văn Lâm – chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen – cho hay địa phương ghi nhận những việc làm thiện nguyện có ý nghĩa nhân văn của anh Thuận trong những năm qua. Đặc biệt việc dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho người vùng sâu vùng xa kiếm thêm thu nhập. Qua đó, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Trong thời gian tới, thị trấn Măng Đen sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện mang sản phẩm của anh Thuận tham gia trưng bày khi có kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch của huyện” – ông Lâm cho hay.