Chương trình khai mạc tuần lễ văn hoá Việt Nhật diễn ra từ 30/11-08/12/2024 với nhiều trải nghiệm văn hoá mang đậm sắc màu xứ sở hoa anh đào. Những vũ điệu độc đáo với kimono hay ô wagasa dưới gốc hoa anh đào tái hiện nét đẹp nghệ thuật truyền thống của xứ sở mặt trời mọc đã mở màn cho tuần văn hoá Việt Nhật tại “nóc nhà Nam bộ”.
Trong khuôn khổ tuần văn hoá Việt Nhật, không gian triển lãm đèn đăng nghệ thuật thu hút đông đảo du khách tham quan và check-in. Triển lãm là không gian tôn vinh văn hoá dân gian của Việt Nam và Nhật Bản, gồm 1.200 ngọn đèn đăng nghệ thuật được làm thủ công từ tranh Đông Hồ, tranh in, và 500 bức tranh vẽ tay bởi nhân viên Khu du lịch núi Bà Đen.
Du khách hào hứng check-in với 1200 ngọn đèn đăng đủ loại kích cỡ khác nhau, kiểu dáng khác nhau được trưng bày và thắp sáng lung linh. Các bức tranh Đông Hồ – một dòng tranh dân gian nổi danh của xứ Kinh Bắc, hay hình ảnh các biểu tượng văn hoá Nhật Bản như Samurai, Sumo, Yokai, Geisha… khiến mỗi đèn đăng trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Những chiếc ô Wagasa truyền thống của người Nhật, quạt giấy và những chú hạc giấy – tái hiện nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản, hay mái ngói Nhật Bản khiến du khách có cảm giác như đang đi lạc tại xứ sở mặt trời mọc.
Nổi bật tại không gian triển lãm là Bộ tranh “Ký ức Đồng dao” của Hoạ sĩ Hoàng Phong – hội viên Hội mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015, Phó Chủ nhiệm CLB Friendly Art club tại Đường sách Nguyễn Văn Bình năm 2016.
Bộ tranh “Ký ức Đồng dao” gồm 34 bức tranh được vẽ bằng phong cách hội hoạ dân gian trên giấy dó với những đường nét thuần khiết, ngộ nghĩnh. Bộ tranh tái hiện các biểu tượng của văn hoá Nhật Bản như các Samurai, Sumo, Yokai, Geisha, kịch Noh, Kitsune…; và những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam như Tháp Rùa, cầu Vàng Đà Nẵng, cáp treo Núi Bà, múa lân sư rồng…
Hoạ sĩ đưa thêm vào bộ tranh “Ký ức đồng dao” yếu tố Zen (thiền định) – một biểu tượng của triết lý Phật giáo và là lối sống đặc trưng của người Nhật với trạng thái tinh thần thuần khiết, an yên. Đây cũng chính là tinh thần mỗi du khách hướng tới khi đến với núi Bà Đen – một ngọn núi linh thiêng, một miền đất hành hương giúp chữa lành tâm hồn.
Bộ tranh “Ký ức đồng dao” được các nhân viên của Khu du lịch núi Bà Đen chép lại, tạo thành các ngọn đèn đăng độc đáo trong không gian triển lãm nghệ thuật. Chị Phạm Thảo Anh (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ khi bước vào không gian triển lãm này, nó gợi cho tôi nhớ lại những ký ức tuổi thơ, và tìm thấy niềm vui trong những điều bình dị, thân thương của cuộc sống”.
Cũng ngay trong ngày khai mạc Tuần văn hoá Nhật Bản, phiên chợ lá Bà Đen hút hàng ngàn du khách tham dự với không khí sôi động. Mỗi du khách đi cáp treo lên đỉnh núi được phát một chiếc lá bồ đề để mua đồ ăn và thức uống với những món ăn đậm hồn quê như bánh ít, bánh cuốn, bánh ú, bánh xu xê, bánh bột lọc, bánh bò, bánh da lợn, sắn hấp dừa, chè, xôi…
Tới đây, vào tối ngày 7/12/2024 tại đỉnh núi Bà Đen, đêm nhạc “Đêm trăng trên đỉnh Vân Sơn” với sự góp mặt của ca sĩ Đan Trường và Cẩm Ly sẽ tiếp tục mang đến một trải nghiệm văn hoá nghệ thuật hấp dẫn chưa từng có tại núi Bà.
Chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ trong dòng nhạc dân gian và Phật giáo như ca sĩ Diệu Đan, Bảo Nam, Thanh Vinh, cùng màn trình diễn thời trang áo dài thổ cẩm Khmer của Hoa hậu Lê Hoàng Phương, Á hậu Lê Phan Hạnh Nguyên, Nam vương Trần Tiến, Nam vương Trung Nguyên, Hoa hậu doanh nhân Vương Thị Hoa… Tất cả làm nên một đêm nghệ thuật đặc sắc, đưa núi Bà Đen thành điểm đến văn hoá hấp dẫn tại khu vực Nam bộ.
Lệ Thanh