Trang trại bò sữa 3ha gồm phần chuồng nuôi, xung quanh phủ xanh bởi những ruộng cỏ là của gia đình ông Trần Đình Ba ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu (Sơn La).
Đây là thành quả kinh tế gia đình ông Ba có được sau 20 năm gắn bó cuộc sống với việc chăn nuôi bò sữa. Ông và gia đình ông nhận bò và đất khoán của một công ty bắt đầu từ năm 2003. Khi đó tình hình kinh tế khó khăn, ông phải đi vay vốn để mở trang trại. “Trước đó tôi cũng chăn nuôi bò sữa nhưng chỉ làm nhỏ lẻ, đàn có vài ba con. Sau này cứ xoay vòng vốn, có tý lãi lời tôi lại đầu tư vào trang trại, mở rộng đàn. Hiện gia đình có hơn 100 con bò sữa, thuộc top những hộ chăn nuôi lớn nhất vùng”, ông Ba chia sẻ.
20 năm gắn mình với con bò, ngày nào vợ chồng ông cũng tất bật ở trang trại. Công việc mỗi ngày đều đặn từ vắt sữa, tắm bò, cho ăn, kiểm tra phun rửa chuồng trại. Sự chăm chỉ, cần mẫn đó đã giúp kinh tế gia đình ông Ba từ khó khăn đi lên ổn định. Đến nay hai ông bà đã trả hết nợ, lo cho con cái ăn học đầy đủ và sắm sửa thêm được nhiều thứ.
Chất lượng sữa của đàn bò gia đình ông Ba đã được chứng nhận Cơ sở an toàn dịch bệnh do tỉnh Sơn La cấp, được một công ty thu mua với mức giá ổn định 11.000 – 12.000 đồng/lít. Hộ gia đình ông Ba là một trong hơn 500 hộ dân tại Mộc Châu nhận khoán bò và đất trang trại.
“Mỗi ngày có 40-50% đàn bò cho sữa, liên tiếp gối nhau. Sản lượng sữa thu được của gia đình tôi khoảng 1 tấn/ngày vào thời điểm bò đến chu kỳ, thu nhập mỗi năm đều đạt mức 3 tỷ đồng”, ông Ba vui vẻ nói.
Đàn bò thường cho sữa trong chu kỳ 305 ngày. Với những con đạt chất lượng ngoại hình tốt, lượng sữa trung bình có thể lên tới hơn 10.000kg/chu kỳ.
Ông Ba nhận định chăn nuôi bò sữa trên hết là cần sự cần cù, tuân thủ và gắn bó chặt chẽ với đội ngũ kỹ thuật, y tế khu vực để đảm bảo chất lượng và sản lượng sữa duy trì ở mức độ ổn định.
Nhờ việc theo dõi y tế tốt, đàn bò của ông Ba rất hiếm khi đổ bệnh. Việc thiệt hại vật nuôi do bệnh dịch gần như không có. “Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình có lẽ là thời điểm dịch Covid-19, khi thức ăn vật tư tăng giá. Lúc đó chúng tôi cũng khốn đốn để xoay vòng vốn”, người chủ trang trại kể lại.
Từ khi việc chăn nuôi bò sữa xuất hiện và đi vào ổn định, kinh tế của nhiều hộ dân trên thảo nguyên Mộc Châu đã khởi sắc. Nhiều gia đình thoát nghèo, đời sống ổn định. Theo ông Ba, vợ chồng ông và đến đời con cái sẵn sàng gắn với cuộc sống của đàn bò lâu dài về sau.