Ngày 2-12, UBND TP Đà Lạt phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Du lịch xanh – phát triển bền vững” và tổng kết 20 năm triển khai chương trình “Nhãn hiệu xanh”.
Đà Lạt cần xây dựng bộ tiêu chí du lịch “xanh”
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, cho biết những năm qua, Đà Lạt được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận là “Thành phố thông minh”, “TP du lịch sạch 2022-2024”, một trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á, UNESCO vinh danh, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
“Hiện nay, phát triển du lịch xanh, bền vững là mục tiêu quan trọng của Đà Lạt, xây dựng Đà Lạt trở thành một trong những đô thị du lịch xanh của cả nước trên thế mạnh về tiềm năng, đặc thù của địa phương”, ông Tú phát biểu.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Cao Thế Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Lâm Đồng, khẳng định phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng du lịch xanh phát triển bền vững là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của tiến trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại mang tầm quốc tế.
Vị Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ rằng người ta nghĩ Đà Lạt là du lịch rẻ, nhưng rẻ thì sớm muộn sẽ có hậu quả và khó bền vững. Do vậy, TP Đà Lạt cần xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí phát triển bền vững cho các bên liên quan là cấp chính quyền (chính sách), doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp đầu tư ngoài du lịch.
Về vấn đề liên kết và hợp tác phát triển, theo đại diện Hiệp hội du lịch Lâm Đồng, Đà Lạt tiếp cận theo 2 hướng. Thứ nhất là liên kết nội vùng điểm đến Đà Lạt gồm xây dựng sản phẩm du lịch xanh Đà Lạt, đảm bảo các nguyên tắc phát triển du lịch Đà Lạt bền vững, chất lượng cao, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch tăng trưởng xanh, định vị và nâng tầm điểm đến Đà Lạt xanh bền vững.
Thứ hai là liên kết, hợp tác liên vùng Đà Lạt – Lâm Đồng theo tuyến du lịch, dòng sản phẩm du lịch, vùng du lịch trong nước và quốc tế. “Liên kết vùng sẽ giúp chúng ta không bị lệ thuộc vào một thị trường nào, giảm được rủi ro”, ông Anh phát biểu.
Không làm xáo trộn cuộc sống người dân Đà Lạt
Được chờ đợi tại hội thảo là phần tham thuận của ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty Oxalis, doanh nghiệp đã đưa Làng du lịch Tân Hoá nhận giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 (Best Tourism Village) do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tổ chức. Đây là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.
Ông Á chia sẻ rằng để đưa Tân Hóa từ một ngôi làng nhỏ bé, năm nào cũng sống chung với lũ lớn thành làng du lịch tốt nhất thế giới mất hơn 12 năm khi người dân chủ yếu làm công việc đồng áng, chưa quen với phong cách phục vụ du lịch.
Từ những căn nhà chống lũ, vị doanh nhân đã thuyết phục, hỗ trợ họ chuyển đổi một số thành homestay phục vụ du khách, tổ chức các bữa ăn tại nhà người dân cho khách, tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương. Đến nay, công ty chi trả khoảng 10 tỉ đồng/năm cho các dịch vụ này của người dân. Từ một vùng quê nhỏ bé, Tân Hóa trở thành điểm đến “hot” sau khi được vinh danh làng du lịch thế giới, đời sống người dân thay đổi.
Tuy nhiên, để làm du lịch cộng đồng theo hướng xanh, thân thiện thì nguyên tắc của ông Châu Á là không làm xáo trộn cuộc sống, văn hóa và đặc trưng của người dân vì chính những đặc điểm này là cốt lõi trong du lịch của địa phương.
“Chúng ta thử nghĩ, hôm nay giá tô phở 20.000 đồng. Khi khách đông lên, tô phở tăng giá lên 50.000 đồng. Du khách đến thì có khả năng chi trả nhưng người dân tại đó lấy đâu ra tiền để bù vào khoảng tăng đó?” – ông Châu Á nêu vấn đề.
Đối với du lịch cộng đồng, việc ưu tiên là phải bảo vệ cộng đồng trong sự phát triển. Bên cạnh đó, để du lịch cộng đồng xanh và thân thiện môi trường bền vững, cần có sự chung tay của 3 bên là chính quyền – doanh nghiệp có tiềm lực – cộng đồng người dân. Nếu tách riêng từng chủ thể nêu trên thì không thể làm được.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, chuyên gia phát triển bền vững – người làm hồ sơ cho làng Tân Hóa được công nhận là làng du lịch thế giới, tin tưởng rằng Đà Lạt có nhiều tiềm năng và thế mạnh để có thể thắng giải thưởng này.
“Nhiều người hỏi rằng Đà Lạt có điểm gì khác biệt so với những điểm đến khác tại Việt Nam?. Theo tôi, Đà Lạt hiện nay tổng hòa tất cả các yếu tố từ thiên nhiên, khí hậu, kiến trúc, văn hóa đặc sắc, con người thân thiện, ẩm thực phong phú, các hoạt động du lịch đa dạng”.
Vấn đề là Đà Lạt đã đẹp, đã độc đáo rồi, làm sao cho Đà Lạt trở nên tốt hơn, xanh và bền vững hơn trong quá trình phát triển của mình. Nếu tổn hại những yếu tố làm nên Đà Lạt sẽ mất cân bằng và sẽ không còn bền vững.
Ông Nguyễn Châu Á cũng là người triển khai tour khám phá hang động Tú Làn và “đạo diễn” đưa đoàn làm phim bom tấn “Kong: Skull Island” đến quay tại Quảng Bình, là một trong những người nổi tiếng tầm châu lục về kinh doanh các hoạt động du lịch mạo hiểm.