Chiều 11-7, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ công bố ga Đà Lạt được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch với tên gọi “Ga đường sắt Đà Lạt”.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, lượng khách vào ga Đà Lạt tham quan trong 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 275 ngàn lượt; lượng khách tham gia đi du lịch tàu hỏa Đà Lạt -Trại Mát là hơn 138 ngàn lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt hoạt động khai thác du lịch gần 11,5 tỉ đồng.
Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Du lịch và quy định pháp luật liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc được công nhận là điểm du lịch chính thức đưa ga Đà Lạt trở thành địa điểm du lịch trên bản đồ du lịch quốc gia.
Để khai thác tiềm năng du lịch của ga Đà Lạt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch tại ga Đà Lạt.
Xây dựng đề án thu phí tham quan điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” và phương án giá dịch vụ trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2024 , triển khai thu phí tham quan du lịch theo mức giá mới từ ngày 1-10-2024.
Ga Đà Lạt tại số 1 Quang Trung, phường 10, TP Đà Lạt là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng, hàng ngày thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Ga Đà Lạt là điểm đầu phía Lâm Đồng của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km nối với Lâm Đồng với Ninh Thuận, là 1 trong 2 tuyến đường sắt răng cưa được xây dựng trên thế giới (đường sắt răng cưa còn lại ở Thụy Sỹ).
Nhà ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển, được xem nhà ga đường sắt đẹp nhất Việt Nam.
Tại ga, ngoài việc tham quan kiến trúc ga Đà Lạt, đầu máy tàu lửa chạy bằng hơi nước thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang khai thác tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt – Trại Mát. Tuyến tàu có chiều dài khoảng 7 km phục vụ du khách ngắm nhìn cảnh đẹp và một số địa điểm nổi tiếng của thành phố.
Vào tháng 4-2023, Tập đoàn Stadler (Thụy Sỹ) bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Việc xây dựng lại tuyến đường sắt này cần những toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới mà Stadler là một trong những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.
Cũng trong năm này, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư 24.920 tỉ đồng.
Nguồn: https://nld.com.vn/len-phuong-an-thu-phi-tham-quan-ga-da-lat-196240711135237474.htm