Cách đây chưa lâu, người ta chỉ biết tới Pù Luông như một khu bảo tồn thiên nhiên không được nổi danh như Cúc Phương hay Ba Bể .
Vậy mà giờ đây điểm đến này đã được khách du lịch rộn bước tìm về. Giữa những cánh rừng nguyên sinh, nơi có dòng sông Mã khi lặng lẽ hiền hòa, khi gầm gào cuộn sóng, Pù Luông tách biệt khỏi đời sống hiện đại bên ngoài với cảnh sắc bình yên đến từ những ruộng bậc thang, cọn nước, nếp nhà sàn thoảng khói bếp rơm.
Dù trào lưu dựng khách sạn, xây resort, mở homestay đã lan rộng lên tới những bản làng xa xôi thì Pù Luông vẫn cứ mang sắc thái của trăm năm trước.
Cộng đồng người Thái bản địa có nếp sống riêng, giữ truyền thống trồng trọt, chăn nuôi cũng như tập quán sinh hoạt đậm nét miền sơn cước.
Đây là điều khiến Pù Luông khác biệt với các điểm du lịch đã bùng nổ hết mức như Sa Pa, Bắc Hà hay Phú Quốc.
Tháng 6 và tháng 9, hai vụ lúa vàng thu hút giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước tìm về. Không kì vĩ như Mù Cang Chải (Yên Bái), ruộng bậc thang ở đây nhỏ xinh, rải rác ven các triền đồi, bao bọc quanh bản làng, nép dưới tán cây rừng, cứ mỗi chỗ lại đột nhiên xuất hiện sau mỗi khúc đường quanh co.
Khá lạ lẫm với du khách là cụm cọn nước tre ở xã Ban Công cứ kẽo kẹt suốt ngày đêm, đưa nước suối từ dưới thấp đổ tràn vào thưở ruộng cao. Đây còn là bối cảnh đắt giá cho giới nhiếp ảnh nếu vô tình mời được những thiếu nữ trong trong phục dân tộc truyền thống ra chơi đùa bên vòng quay của núi rừng.
Trở lại với những thửa ruộng bậc thang Pù Luông, người ta thích thú với mùa vàng nơi này chính bởi sự xinh xắn và mơ màng của cụm lúa rực vàng dưới nắng. Người bản địa vẫn nói lúa tháng 6 đẹp hơn lúa tháng 9, nhưng với người miền xuôi khi lạc bước tới đây thì mùa nào Pù Luông chẳng đẹp, nhất là khi được dạo bộ hay đạp xe trên những con đường nối từ bản nọ sang bản kia.
Mà cách tận hưởng lý tưởng nhất có lẽ là sau những giờ miệt mài ngắm lúa, săn mây, ta được về dưới nếp nhà sàn, thong thả hít thật sâu vào lồng ngực mùi cơm mới phảng phất tỏa ra từ bếp củi rồi mời nhau các món ăn đậm vị núi rừng. Cơm mới ăn cùng ốc núi đá hấp hành gừng, cá lăng nấu măng chua, cá dầm xanh bọc lá chuối nướng cháy xém bên ngoài, bên trong ngào ngạt mùi thơm của các loại gia vị gồm củ sả, củ kiệu, hạt mắc khén, hạt dổi nhồi trong bụng cá…
Cánh lái xe và hướng dẫn viên thường tấm tắc khen con vịt Cổ Lũng là đặc sản địa phương, người chuộng phong vị lạ thường nắc nỏm đánh giá cao món khâu nhục vốn là thịt lợn kho theo kiểu vùng biên giới, nhưng dung dị và thân thương nhất chắc chắn vẫn là hương vị của món cơm mới, dù là gạo nếp hay gạo tẻ thì vẫn cứ tỏa ra mùi quê hương, mùi cổ tích khi nấu trên bếp lửa hồng.
Tạp chí Heritage