Thoát khỏi cái nắng nóng ngột ngạt của Thủ đô Hà Nội cuối tháng 5, chúng tôi về Pù Luông để tận hưởng không gian thiên nhiên mê hoặc với màu xanh núi rừng, màu vàng của lúa chín và những dòng suối thác mát lạnh.
Chuyến xe nhỏ chở khách từ Hà Nội đến Pù Luông kéo dài gần 4 tiếng, đi qua những cung đường uốn lượn đồi núi của Hòa Bình rồi sang tới vùng núi Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa. Chúng tôi dừng chân ở một homestay trong bản Đôn, mở cửa xe là không khí trong lành của rừng ùa vào khoang ngực, mùi lúa thơm phảng phất đưa hương thật quyến rũ.
Tận hưởng thiên nhiên
Nằm ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích 17.600ha trải dài trên địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Địa hình trên 1.200m Pù Luông có khí hậu mát mẻ quanh năm, bao quanh là rừng nguyên sinh đan xen những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ vào mùa lúa chín.
Hàng năm, mùa vàng đầu tiên ở Pù Luông kéo dài từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 6. Hầu như du khách nào đến đây vào mùa lúa chín cũng không thể bỏ qua những thửa ruộng bậc thang bản Đôn nơi có cộng đồng người Thái đông nhất vùng, khám phá thung lũng Kho Mường và lội thác tắm suối ở bản Hiêu.
Ruộng bậc thang ở Pù Luông là kiểu ruộng thấp, thoai thoải, được đồi núi thấp bao quanh. Sáng sớm, nơi đây thường có mây sương lượn lờ quanh núi tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình như chốn thần tiên. Mỗi sớm mai thức giấc mở mắt ra là thấy ngay khung cảnh sương mây và khói bếp nhà dân chờn vờn bay thật huyền ảo.
Không nhớ mình đã về Pù Luông bao nhiêu lần nhưng lần nào tôi cũng không khỏi ngạc nhiên mà thốt lên: “Mùa này đi miền núi thích quá”.
Thuê một chiếc xe máy là cách dễ nhất để ngắm lúa chín, cứ men theo những cung đường ngoằn ngoèo đi giữa các bản làng, từ bản Đôn sang bản Báng rồi tiến sâu hơn vào bản Kho Mường, bản Hiêu… Chạy xe hai bên là cánh đồng lúa chín đã nhuộm sắc vàng ươm, tôi như mơ màng trong hồi ức của những ngày tháng tuổi thơ được vui đùa với bạn bè bên cánh đồng làng mùa gặt.
Trong khi phong cảnh bản Đôn là miên man ruộng bậc thang, tầng tầng lớp lớp trải dài ngút tầm mắt thì con đường vào Kho Mường như dẫn lối đến một thế giới khác. Cánh đồng và bản làng nơi này nằm lọt thỏm trong vùng lõi khu bảo tồn nên mọi thứ dường như vẫn còn rất hoang sơ. Cuối đường ở bản Kho Mường là Hang Dơi với quần thể các nhũ đá vôi tuổi đời tới 250 triệu năm.
Một điểm đến khác ở Pù Luông mà du khách đi mùa hè không ai không dừng lại ít nhất một ngày là bản Hiêu, thác Hiêu ở xã Cổ Lũng. Thác dài khoảng 800m chảy tách thành 2 nhánh tại lưng chừng núi, rồi đến cuối hợp lại làm một vòng ôm mát rượi. Cách đó không xa là bản Hiêu nằm bên bờ suối bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông, từ đầu bản đến cuối bản có 5 thác nước dài gần 1km. Những nếp nhà sàn của người Thái nằm rải rác dọc hai bên bờ suối, mỗi khi có ghềnh thác đẹp, nóc nhà cũng dày hơn tạo nên một bức tranh suối thác nhà sàn thật nên thơ.
Thưởng thức đặc sản núi rừng
Thác Hiêu ở Cổ Lũng, nơi có vịt Cổ Lũng nổi tiếng với thịt nhiều nạc, thơm ngon khó có loại vịt nơi nào sánh bằng. Vịt có xương nhỏ, thịt thơm, không ngậy và hôi như các giống vịt ở vùng khác do được nuôi thả trên các khe suối. Nguồn nước sạch, điều kiện khí hậu mát mẻ, sáng dân thả vịt ra suối để tự kiếm ăn, tối về cho ăn thêm ngô, lúa, sắn, nên thịt đặc biệt ngon chắc.
Lang thang ngắm lúa chín đã mắt, chúng tôi tấp vào một nhà dân làm homestay, lát sau đã thấy được phục vụ đủ món ngon lành của đất Pù Luông. Mâm cơm dọn ra đơn sơ bên cửa sổ nhà sàn, gió thổi từ cánh đồng vào mát rượi chẳng cần quạt điện. Bữa trưa ấy chúng tôi được thưởng thức từ thịt vịt, gà, lợn ướp gia vị nướng thơm lừng cho đến măng tươi, rau củ luộc ngọt mát kèm đĩa củ kiệu muối chua không thể chê.
Đã đến Pù Luông thì phải dành một buổi đi chợ phiên Phố Đoàn mới biết hết của lạ đất này. Chúng tôi gọi nhau dậy từ tờ mờ sáng để theo chân dân bản kéo về chợ mua bán cuối tuần. Không chỉ có người dân các bản ở Pù Luông mà những thương lái, người trẻ người già từ Mai Châu, Hòa Bình cũng tới đây trao đổi hàng hóa, đặc sản. Dạo chợ một vòng chúng tôi ăn sáng từ bánh chả, bánh cuốn, bánh rán… rồi tìm mua thổ cẩm, rau rừng, đào mận về làm quà.
Pù Luông ngày càng nhiều khách biết tới, các homestay, resort cũng mọc lên ngày một nhiều nhưng không vì thế nơi này bị bão hòa du lịch. Vẻ đẹp yên bình của một vùng núi, sự đa dạng về thiên nhiên của một khu bảo tồn và những văn hóa bản địa vẫn còn được gìn giữ rất tốt. Cuộc sống giản đơn, sự hiếu khách của những con người Thái, Mường làm du lịch cộng đồng và sản vật mùa nào thức nấy, tất thảy đã mang lại cho chúng tôi một chuyến đi đáng nhớ.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/song-cham-giua-mua-vang-pu-luong-hon-ngoc-an-cua-mien-tay-thanh-hoa-1350168.ldo