NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Tên tuổi của Denis Law gắn liền với một trong những câu chuyện cảm động và hiển hách nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao: M.U vươn lên từ sau thảm họa hàng không Munich 1958, để rồi đúng 10 năm sau trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt cúp C1 châu Âu. Không biết đã có bao nhiêu sách báo viết về M.U trong thời kỳ ấy. Nói cách khác, đấy là thời kỳ tái thiết M.U của HLV Matt Busby. Cùng với George Best và Bobby Charlton, Denis Law chính là một trong ba tượng đài sừng sững trong thế hệ “Busby Babes 2.0”.
Chơi ở vị trí trung phong, Law thường ghi bàn (và ông ghi bàn rất nhiều) bằng cách đệm bóng vào lưới từ cự ly gần. Đấy là kiểu ghi bàn… kém hấp dẫn nhất trong môn bóng đá? Vâng, thường là vậy. Nhưng với Law, cú đệm bóng thành bàn đã được nâng tầm lên hàng nghệ thuật. Riết rồi khán giả “ghiền” xem cách Law ghi bàn. Cách giữ thăng bằng và sự tinh tế khi chạm bóng của ông làm nảy sinh ý tưởng để giới cầm bút viết về trò chơi bóng đá: đây là môn vũ ba lê của giới thợ thuyền!
Khi tuần báo France Football bắt đầu trao “Quả bóng vàng châu Âu” vào năm 1956, ai cũng đoán biết rằng giải thưởng danh giá này trong năm đầu tiên sẽ phải thuộc về cầu thủ người Anh Stanley Matthews. Toàn bộ những năm tháng rực rỡ nhất của Matthews (sinh năm 1915) đã bị lãng phí do môn bóng đá bị ngưng trệ vì cuộc Đệ nhị thế chiến. 24 năm đã trôi qua kể từ khi Matthews đá trận chuyên nghiệp đầu tiên dưới màu áo Stoke City. Làm sao có thể tin rằng ở tuổi 41, Matthews vẫn còn đủ phong độ đỉnh cao để lấn lướt những Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas, Raymond Kopa và xứng đáng là cầu thủ hay nhất châu Âu? Đấy chỉ có thể là một sự trân trọng dành cho những giá trị cũ, mà Matthews xứng đáng được tôn vinh. Tóm lại, đấy là “Quả bóng vàng”… ngoại giao.
Thế còn Denis Law? Ông đoạt “Quả bóng vàng” năm 1964, khi danh hiệu này đã khẳng định được uy tín của giải thưởng cá nhân cao quý nhất trong thế giới bóng đá. Eusebio, Gianni Rivera, Jimmy Greaves đều đã lừng lẫy danh tiếng ở thời kỳ ấy. Beckenbauer cũng đã khởi nghiệp trong màu áo Bayern Munich. Có nghĩa là Law đoạt giải trong hoàn cảnh cạnh tranh rất khốc liệt giữa các ngôi sao khắp châu Âu.
TỪ CẬU BÉ NGHÈO TRỞ THÀNH CẦU THỦ ĐẮT NHẤT NƯỚC ANH
Sinh tại Aberdeen, Law là cầu thủ Scotland, hiện vẫn đang giữ kỷ lục ghi 30 bàn cho đội tuyển Scotland. Kenny Dalglish cùng Law chia nhau kỷ lục này, tuy nhiên Dalglish đã đá 102 trận trong khi Law chỉ khoác áo ĐTQG 55 lần. Nhưng ngoài ĐTQG thì Law chưa bao giờ đá cho CLB nào của Scotland. Ông gia nhập đội trẻ Huddersfield và khởi đầu sự nghiệp ở CLB này. Sau đó chuyển sang Manchester City, Torino, và khi đến M.U thì sự nghiệp của ông thăng hoa rực rỡ. Đây cũng là đội bóng mà Law gắn bó lâu nhất (11 năm).
Xuất thân trong gia đình nghèo, Law phải đi chân trần mãi đến tận năm 12 tuổi. Ông chỉ được sở hữu đôi giày bóng đá đúng chuẩn đầu tiên sau khi gia nhập đội trẻ Huddersfield. Cũng tại đấy, đội bóng chi tiền giúp Law chữa bệnh lé mắt. Sự tự tin của Law tăng lên rất cao nhờ điều này. Đến khi Law được bán sang Manchester City, Torino, M.U, thì cả 3 bản hợp đồng đều là kỷ lục nước Anh về giá chuyển nhượng. Law góp công rất lớn trong suốt hành trình tái thiết M.U của HLV Busby, dù thực tế ông phải chơi bóng trong tình trạng chấn thương suốt nhiều năm (từ một ca phẫu thuật không thành công khi chấn thương đầu gối ở Huddersfield). Ông phải phẫu thuật ngay trước khi M.U đá trận chung kết cúp C1 châu Âu 1968 với Benfica, và xem trận đấu trên giường bệnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/denis-law-cau-be-ngheo-tro-thanh-huyen-thoai-185250120020509048.htm