Trong Ngày hội Việt Nam Xanh, TH đã mang đến không gian xanh với mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn được tiên phong áp dụng ở tất cả các đơn vị thành viên, thu hút đông đảo người dân đến trải nghiệm.
Mô hình kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn được tiên phong áp dụng ở tất cả các đơn vị thành viên TH chính là cách tập đoàn đồng hành với cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
Do đó, tại không gian của Ngày hội Việt Nam Xanh, TH đã mang đến câu chuyện thực tế áp dụng tại tập đoàn.
Nhiều giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững
Trực tiếp trải nghiệm tại ngày hội, bạn Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Trường ĐH Hoa Sen) cho biết rất ấn tượng với không gian của TH khi những câu chuyện giảm phát thải của TH được kể qua những ô vuông với mỗi mặt của ô vuông là mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh về phát triển xanh.
“Tôi uống sữa TH nhiều nhưng giờ mới có cơ hội để tìm hiểu những ly sữa mình uống được trải qua một quá trình sản xuất xanh như thế nào từ khâu nuôi bò, xử lý chất thải, sử dụng năng lượng cho đến xử lý nước thải”, bạn Linh kể.
Đại diện TH cho hay doanh nghiệp này đã nghiêm túc và chủ động thực hiện phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập.
Từ năm 2018, TH bắt đầu thu thập số liệu về phát triển bền vững để không những hiểu rõ hiệu quả của các thông số phát triển bền vững, mà còn giúp theo dõi cách thức các tham số này biến đổi theo thời gian. Điều này thể hiện Tập đoàn TH đã tiên phong kinh tế tuần hoàn, hướng đến Net Zero.
Là thành viên sáng lập PRO Việt Nam, Tập đoàn TH thông qua liên minh thực hiện thu gom bao bì sau sử dụng, chung tay vì môi trường xanh – sạch – đẹp.
Bên cạnh đó, TH tổ chức thường niên chiến dịch “Thu gom vỏ hộp – lan tỏa sống xanh” tại hệ thống TH true mart. Năm 2023, chương trình thu gom được 1,9 tấn bao bì, tăng 72% so với năm trước đó.
Bên cạnh đó, TH đã áp dụng nhiều giải pháp giảm nhựa, tiêu biểu như thay thế túi ni lông, thìa nhựa, ống hút từ nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện hơn với môi trường, giảm 17% trọng lượng mỗi chai nhựa, giảm 30% độ dày của nhãn mác chai, giảm nhựa trên màng co lốc một số sản phẩm, giảm lượng keo gắn ống hút trên bao bì hộp sữa…
Theo Tập đoàn TH, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, TH giảm hơn 600 tấn nhựa/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 16 tỉ đồng.
Bạn trẻ nhận những món quà xanh từ đại diện của TH tại Ngày hội Việt Nam Xanh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Năm 2023, TH phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt và Công ty Nhựa Tương Lai Xanh (Green Future) hoàn thiện một ngôi trường đặc biệt với một phần vật liệu xây dựng được làm từ nhựa tái chế.
Ngôi trường hiện phục vụ học tập và sinh hoạt của khoảng 65 học sinh dân tộc thiểu số, nghèo và cận nghèo tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.
Ngoài ra, biến chất thải thành tài nguyên là một tư duy đặc trưng của kinh tế tuần hoàn. Tại trang trại TH, chất thải hữu cơ được thu gom, xử lý thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ.
Đặc biệt, TH cũng tiên phong giảm phát thải khí metan nhờ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, tiên phong sử dụng năng lượng tái tạo, dùng bã mía sản xuất điện, xử lý nước thải đạt chuẩn, sử dụng nhiên liệu sinh khối thay thế nhiên liệu hóa thạch…
Cơ hội từ kinh tế tuần hoàn
Ông Mandal Arghya – giám đốc Công ty cổ phần sữa TH (TH true MILK) – cho hay doanh nghiệp này coi kinh tế tuần hoàn không phải là một áp lực mà là một cơ hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập, triết lý phát triển bền vững và cam kết bảo vệ môi trường đã luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của chúng tôi.
Khẩu hiệu “Hãy trân quý Mẹ thiên nhiên” của doanh nghiệp không chỉ là một câu khẩu hiệu truyền cảm hứng mà đã được thực hiện thông qua từng bước phát triển cụ thể.
Những món quà từ TH được gởi trao tại Ngày hội Việt Nam Xanh – Ảnh: BĂNG TÂM
“Chúng tôi đã thiết lập các chuỗi cung ứng khép kín và chúng tôi vẫn đang nỗ lực vì điều đó, trong mọi khâu của quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, đảm bảo mọi hoạt động sản xuất đều tối ưu hóa nguồn lực.
Ví dụ, tất cả nguồn nước thải và chất thải từ trang trại bò sữa được xử lý và tái sử dụng, giảm thiểu tối đa sự lãng phí”, ông Mandal Arghya nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không ngừng đầu tư vào các công nghệ tiên tiến để làm “xanh” hơn chu trình sản xuất, từ đó giảm thiểu lượng phát thải và tăng cường khả năng tái chế.
Theo ông Mandal Arghya, sự chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng.
“Doanh nghiệp nào sớm nhận ra và chuyển đổi theo mô hình này sẽ có lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai”, ông Mandal Arghya khẳng định.