Trước đó tại buổi họp báo quốc tế được tổ chức ở Hà Nội, ban tổ chức Tuần lễ Festival Huế 2024 thông tin những nghệ sĩ đình đám sẽ có mặt tại chương trình khai mạc tuần lễ như Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn, Suboi…
Tuy nhiên, những tên tuổi này cuối cùng đã “lỡ hẹn” với Tuần lễ Festival Huế 2024 vì Luật Đấu thầu.
Khi Đen Vâu lỡ hẹn Huế
Ông Hoàng Việt Trung – giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị được giao tổ chức Tuần lễ Festival Huế 2024 – nói với Tuổi Trẻ, ban đầu ban tổ chức không định đưa ra thông tin kể trên bởi lúc đó chưa có kết quả đấu thầu.
Nhưng vì nhiều lý do, quan trọng nhất đó là để quảng bá cho thương hiệu Festival Huế, nên thông tin đó đã được công bố tại buổi họp báo.
Tuy nhiên sau khi kết quả đấu thầu các chương trình nghệ thuật được công bố, chính nhiều thành viên trong ban tổ chức cũng “ngã ngửa” và đành chấp nhận “mang tiếng” với khán giả.
Theo ông Hoàng Việt Trung, ở các kỳ Festival Huế trước, tỉnh thường mời một đạo diễn có tên tuổi về rồi từ đó lên ý tưởng, viết kịch bản, liên hệ với các ca sĩ, diễn viên… theo ý đồ nghệ thuật của đạo diễn.
“Năm nay lần đầu tiên các chương trình nghệ thuật thuộc Festival Huế áp dụng hình thức đấu thầu công khai trên mạng. Mà theo quy định, việc liên hệ như vậy là sai nguyên tắc của Luật Đấu thầu”, ông nói.
Ông Trung lý giải: “Luật Đấu thầu không cho phép việc chỉ định đích danh công ty, nghệ sĩ nào. Mua sắm vật tư hàng hóa phục vụ chương trình, hồ sơ mời thầu, cái gì cũng phải ghi là “tương đương”, chung chung, không cụ thể được. Ví dụ ca sĩ hạng A thì có Đen Vâu… Nói chung là rất khó định lượng”…
Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết năm nay Festival Huế không chỉ đấu thầu nghệ thuật mà còn ở nhiều hạng mục khác như âm thanh, ánh sáng, khán đài… và cả dạ tiệc hoàng cung.
Các hạng mục này sử dụng ngân sách nhà nước hoặc nguồn hỗ trợ khác từ xã hội nhưng dưới dạng Nhà nước sử dụng, đều phải đấu thầu công khai.
Lúng túng đấu thầu nghệ thuật
Ông Lê Hồng Phong – vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – chia sẻ: “Với các chương trình nghệ thuật, trước đây chúng ta áp dụng quyết định số 17-2019 của Thủ tướng về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt”.
Hiện theo Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ 1-1-2024), quy định phân cấp về các tỉnh thành, địa phương sẽ quyết định chọn nhà thầu với các chương trình nghệ thuật được tổ chức ở đây.
Bà Lê Thị Ánh Mai – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội – chia sẻ từ khi về nhận nhiệm vụ mới tại đây (đầu tháng 3) tới nay, “Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chưa có chương trình nghệ thuật nào áp dụng Luật Đấu thầu này”.
Luật Đấu thầu 2023, được Quốc hội ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, đã bổ sung nhiều nội dung mới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho việc tổ chức đấu thầu được thuận lợi, tránh lãng phí và thất thoát ngân sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt vào các lĩnh vực đặc thù, ở đây là văn hóa – nghệ thuật, đơn vị thực thi lúng túng. Tuần lễ Festival Huế 2024 là một ví dụ mới nhất.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng “cái khó là việc đấu thầu được thực hiện theo hình thức chấm điểm”.
Theo ông, các tiết mục nghệ thuật, món ăn… thì rất khó để định lượng chính xác và cho ra số điểm thực tế bởi nó còn dựa vào rất nhiều yếu tố “định tính”.
Nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết bà “rất chia sẻ với những băn khoăn” của Thừa Thiên Huế trong câu chuyện Tuần lễ Festival Huế 2024 vừa qua.
Theo bà Ly Ly, việc các chương trình biểu diễn nghệ thuật áp dụng Luật Đấu thầu vẫn cần những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn ở các địa phương.
Là một người làm nghệ thuật lâu năm, đồng thời là lãnh đạo cục, bà Trần Ly Ly cho rằng “sáng tạo nghệ thuật là một lĩnh vực hết sức đặc thù”.
“Để có một chương trình nghệ thuật chất lượng, đòi hỏi một ê kíp, đội ngũ, tư tưởng và cách làm khác biệt.
Đó là những yếu tố không phải lúc nào cũng được định lượng bằng kinh phí và kinh phí chỉ là một trong những yếu tố trong vấn đề này mà thôi.
Khi áp dụng luật vào những lĩnh vực đặc thù như nghệ thuật biểu diễn, cần một ứng xử ra sao cho khoa học, hợp lý?”, bà Ly đặt vấn đề.
Có nghị định hướng dẫn vẫn lúng túng
Dù đã có nghị định số 24 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên theo đại diện một địa phương, khi áp dụng vào thực tế, tỉnh này vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa biết phải làm sao cho hợp lẽ.
Việc phân cấp về địa phương có vẻ mở và tạo điều kiện cho địa phương chủ động, nhưng với điều kiện các văn bản hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng thì mới làm được.
Nguồn: https://tuoitre.vn/den-vau-suboi-soobin-lo-hen-voi-hue-sao-no-dau-thau-nghe-thuat-2024062009170691.htm